Thế giới

Tổn thất nghiêm trọng vì đại dịch, báo chí truyền thông cần đột phá và đổi mới

ClockThứ Năm, 29/04/2021 16:10
TTH.VN - Trong bài phát biểu trước Ngày Tự do Báo chí Thế giới (3/5), Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết, sự suy giảm tài chính của nhiều tổ chức truyền thông công ích trên toàn thế giới là một trong những tác động phụ nguy hiểm của đại dịch COVID-19.

Phóng viên tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh: Laodong

Các số liệu cho thấy, chỉ riêng báo chí đã tổn thất khoảng 30 tỷ USD trong năm ngoái, khiến một số người lo ngại rằng đại dịch có thể trở thành một sự kiện huỷ diệt sự sống của các phương tiện truyền thông.

“Chúng ta không thể để điều này xảy ra”, Tổng thư ký Guterres khẳng định và nhấn mạnh rằng duy trì thông tin độc lập, dựa trên thực tế là một lợi ích công cộng toàn cầu cần thiết và rất quan trọng để “xây dựng một tương lai an toàn, lành mạnh và xanh hơn”.

Mối đe dọa “bệnh truyền nhiễm thông tin”

Tổng thư ký Guterres cũng kêu gọi các nước hỗ trợ Quỹ Quốc tế về Truyền thông Công ích mới được thành lập, đặc biệt để đảm bảo tương lai của các tổ chức truyền thông độc lập ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo Bộ Truyền thông Toàn cầu của LHQ (DGC), đại dịch cho thấy việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là vấn đề sinh tử, và LHQ đã và đang nỗ lực chống lại các thông tin sai lệch và xuyên tạc liên quan, cũng như ngôn từ kích động thù địch vốn đang gia tăng.

Trong một phiên thảo luận về tình hình truyền thông, báo chí trong đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin Ghana nói với những người tham gia rằng “bệnh truyền nhiễm thông tin” (infodemic) càng làm trầm trọng thêm những thảm họa kinh tế mà giới truyền thông đang phải đối mặt.

Những tác động nghiêm trọng

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Báo chí Quốc tế (ICFJ) và Đại học Columbia (Mỹ) tổ chức, 14.000 nhà báo và đơn vị quản lý tin tức ở 125 quốc gia tham gia khảo sát đều xác nhận rằng đại dịch COVID-19 đang bóp nghẹt ngành truyền thông toàn cầu. Trong khi truyền thông phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo, có đến hơn 40% công ty truyền thông, cơ quan báo chí được khảo sát đã ghi nhận mức giảm doanh thu quảng cáo từ 50% - 75%. Kết quả là, nhiều nhân viên, nhà báo làm việc trong lĩnh vực này bị cắt giảm lương và sa thải “vào thời điểm mà mọi người rất cần thông tin”, Chủ tịch ICFJ Joyce Barnathan cho biết.

Thêm vào đó, họ cũng phải gánh chịu những “tổn thương tinh thần” do đại dịch. Khoảng 70% các nhà báo nhận thấy tác động tâm lý và cảm xúc là phần khó khăn nhất trong công việc mà họ đảm nhận. Khoảng 1/3 trong số đó cho biết các tổ chức mà họ làm việc không cung cấp đủ thiết bị bảo hộ cho họ. 

Cần đột phá và đổi mới

Khi các nền kinh tế dần trở lại theo một “bình thường mới”, bà Barnathan hy vọng doanh thu quảng cáo cũng sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại rằng khoản doanh thu này có đủ để tài trợ cho các phương tiện truyền thông công cộng trên toàn cầu hay không. Trong khi đó, nhà báo từng đoạt giải thưởng của Filipina, Maria Ressa khẳng định rằng “sứ mệnh” của báo chí chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này. Hầu hết mọi người hiện nay nhận tin từ các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, nhưng những nền tảng tương tự kiểu này thường khó phân định thật-giả, đúng-sai.

Với mô hình kinh doanh hiện tại, báo chí truyền thống về cơ bản đã không còn vị thế như trước, trong khi quảng cáo cũng đang bị Facebook và những gã khổng lồ công nghệ khác bòn rút, bà Ressa nhấn mạnh rằng các tổ chức truyền thông công ích phải  thích ứng với công nghệ để tồn tại.

Nhà báo Maria Teresa Ronderos của Colombia cho rằng thời kỳ “gián đoạn” hiện nay có thể là cơ hội dẫn đến những thử nghiệm và đổi mới trong nghề. Theo bà, “nếu báo chí nhận được sự hỗ trợ cần thiết ở quy mô lớn, thực sự lớn, thì báo chí có thể sử dụng công nghệ để làm phóng sự điều tra, kết nối với mọi người, kết nối với độc giả, theo một cách định tính hơn nhiều so với những gì đã từng làm trước đây”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
Return to top