Thế giới

Trung Quốc đề xuất miễn phí giáo dục đại học để thúc đẩy tỷ lệ sinh

ClockThứ Sáu, 03/03/2023 21:19
TTH.VN - Miễn phí chương trình giáo dục đại học và trao quyền bình đẳng cho phụ nữ chưa kết hôn là hai trong số các đề xuất được các thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc đưa ra nhằm thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh của nước này, sau khi dân số Trung Quốc vào năm ngoái đã giảm lần đầu tiên trong sáu thập kỷ.

Trung Quốc công bố nhiều khoản hỗ trợ mới nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh

leftcenterrightdel
 

Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1978, với chỉ 6,77 ca sinh trên 1.000 dân. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Reuters, các đề xuất trên được đưa ra trước thềm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tuần này, sẽ khai mạc vào ngày 4/3 tới. 

Trước đó, ông Xie Wenmin, một thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc nên dỡ bỏ các hạn chế về tình trạng hôn nhân được sử dụng để đăng ký cho trẻ sơ sinh, và cho phép phụ nữ chưa kết hôn được hưởng các dịch vụ sinh sản như phụ nữ đã kết hôn.

Các quy định hiện hành của Chính phủ Trung Quốc chỉ ra rằng chỉ những phụ nữ đã kết hôn mới được phép sinh con một cách hợp pháp. Tuy nhiên, một số tỉnh như tỉnh Tứ Xuyên đã bắt đầu cho phép những người độc thân sinh con từ tháng 2 vừa qua.

Năm ngoái, dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau sáu thập kỷ, một bước ngoặt lịch sử dự kiến sẽ dẫn đến thời kỳ suy giảm dân số. Thực trạng dân số ngày càng giảm của Trung Quốc đang thúc giục các nhà chức trách phải triển khai các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy dân số, trong đó bao gồm đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản, tăng các lợi ích về tài chính và thuế khi có con, cũng như trợ cấp nhà ở cho gia đình có con nhỏ…

Mới đây, Ông Gan Huatian, một thành viên của CPPCC nêu ý kiến rằng thời gian nghỉ thai sản (được hưởng lương) đối với người cha cũng nên được tăng lên để nam giới chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái với phụ nữ.

Trong khi đó, đại biểu Zhao Dongling của CPPCC hôm qua (2/3) cho rằng các gia đình có con thứ ba sinh sau năm 2024 nên được học đại học miễn phí. Đề xuất này là một trong những chủ đề thịnh hành nhất trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Weibo.

Phần lớn tình trạng suy thoái nhân khẩu học của Trung Quốc là kết quả của chính sách một con được áp dụng từ năm 1980 đến năm 2015. Ngay cả sau khi chính quyền Trung Quốc xoá bỏ quy định này, chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ ở mức cao vẫn được coi là lý do chính dẫn đến việc các cặp vợ chồng có ít con hơn.

Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất từ nhiều năm nay, 6,77 ca sinh trên 1.000 dân, giảm so với mức 7,52 năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ năm 1978.

Tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc Trung Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất trong cả nước, đã sửa đổi các điều luật của mình vào năm 2002 để cho phép phụ nữ độc thân có thể tiếp cận với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên, quyết định này chỉ có rất ít tác động vì nó vẫn bị cấm trên toàn quốc theo lệnh của Ủy ban Y tế Quốc gia.

Bà Lu Weiying, một thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, nói rằng bà sẽ đề xuất cho phép phụ nữ chưa kết hôn được đông lạnh trứng để bảo tồn khả năng sinh sản của họ và đưa các phương pháp điều trị vô sinh vào hệ thống bảo hiểm y tế công cộng.

Hiện nay ở Trung Quốc, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và đông lạnh trứng bị cấm đối với phụ nữ chưa lập gia đình.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Return to top