Thế giới
CẢNH BÁO THẢM HỌA KHÍ HẬU:

Từ “cảnh báo sớm” đến “hành động sớm”

ClockChủ Nhật, 18/10/2020 15:10
TTH - Trong 50 năm qua, hơn 11.000 thảm họa cướp đi mạng sống của 2 triệu người và thiệt hại kinh tế 3,6 nghìn tỷ USD được cho là do thời tiết, khí hậu và các thảm họa liên quan đến nước. Tuy số người thiệt mạng trung bình trong mỗi thảm họa đã chứng kiến mức giảm 1/3 trong giai đoạn này, nhưng số lượng thảm họa xảy ra lại tăng gấp 5 lần và thiệt hại kinh tế cũng tăng đến 7 lần, dữ liệu đưa ra bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền thông tin.

Cảnh báo sớm thảm họa thiên nhiên là cứu sống người dân (Trong ảnh: Huế trong những ngày lũ vừa qua). Ảnh minh họa: NGUYỄN PHONG

Thiếu tiếp cận với thông tin cần thiết

Nhìn chung, các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan đã và đang gia tăng về cả tần suất và mức độ nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, kéo theo tác động nặng nề đến các cộng đồng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên đến nay, cứ 3 người vẫn có 1 người chưa được tiếp cận và “bao phủ” đầy đủ bởi các hệ thống cảnh báo sớm.

Trước đó, vào năm 2018, trên toàn cầu có khoảng 108 triệu người cần sự giúp đỡ từ hệ thống nhân đạo quốc tế sau khi chịu sự tàn phá và ảnh hưởng của bão lụt, hạn hán và cháy rừng. Đến năm 2030, con số này ước tính có thể tăng gần 50% với chi phí lên đến khoảng 20 tỷ USD/năm.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các tiểu quốc đảo đang phát triển (SIDs) và các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs). Cụ thể, kể từ năm 1970, SIDs đã gánh chịu thiệt hại lên đến 153 tỷ USD do các hiểm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước. Cùng thời điểm, 1,4 triệu người (tương đương 70% tổng số ca tử vong) ở các nước LDCs đã mất mạng do những hiểm họa thời tiết tương đương.

Thúc đẩy “cảnh báo sớm” để “hành động sớm”

Bản báo cáo về dịch vụ khí hậu 2020 do 16 cơ quan quốc tế và các tổ chức tài chính vừa thực hiện đã xác định địa điểm và cách thức làm thế nào để chính phủ các nước có thể đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm một cách có hiệu quả nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các quốc gia trước nhiều hiểm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước.

Trong đó, bản báo cáo nhấn mạnh vào sự cần thiết phải chuyển sang chế độ dự báo dựa trên tác động – một sự phát triển từ dự báo “thời tiết sẽ như thế nào” sang “thời tiết sẽ gây nên tác động gì” để người dân có thể hành động sớm dựa trên dự báo.

Hệ thống cảnh báo sớm (EWS) là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Giáo sư Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, chuẩn bị sẵn sàng và luôn ứng phó đúng lúc, đúng chỗ có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp mọi nơi.

“Mặc dù COVID-19 đã và đang gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe trên cấp độ quốc tế mà sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi, song điều quan trọng cần nhớ là biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa nghiêm trọng không kém, cùng lúc sẽ gia tăng mối đe dọa đối với cuộc sống con người, hệ sinh thái, nền kinh tế và cộng đồng trong nhiều thế kỷ tới”, ông Petteri Taalas cho biết thêm.

Chính vì vậy, phục hồi sau đại dịch COVID-19 là cơ hội để tiến lên theo con đường bền vững hơn, hướng tới khả năng chống chịu và thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu do con người tạo ra.

Đến thời điểm hiện tại, gần 90% các nước kém phát triển và các tiểu quốc đảo đang phát triển đã xác định, hệ thống cảnh báo sớm là ưu tiên hàng đầu trong các Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs) về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong số này vẫn thiếu năng lực cần thiết và nguồn đầu tư tài chính không phải lúc nào cũng đổ vào đúng những lĩnh vực cần đầu tư nhất.

Trong một diễn biến khác, dữ liệu do 138 quốc gia thành viên Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cung cấp cho thấy chỉ 40% trong số các nước có triển khai áp dụng các Hệ thống cảnh báo sớm đa nguy hiểm (MHEWS). Điều này có nghĩa chưa tới 30% dân số trên thế giới được bảo vệ từ hệ thống cảnh báo sớm.

Có thể nói, việc phổ biến các cảnh báo vẫn còn đang rất yếu ở các nước đang phát triển, đồng thời những tiến bộ trong công nghệ truyền thông vẫn chưa được khai thác triệt để để tiếp cận những người có nguy cơ, đặc biệt là ở những nước kém phát triển.

Sự gia tăng các thảm họa liên quan đến khí hậu cho thấy, cần phải tăng cường đầu tư thích ứng trên phạm vi toàn quốc, bao gồm việc đặc biệt tập trung giảm thiểu rủi ro liên quan đến thời tiết, nước và khí hậu thông qua đầu tư vào việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin rủi ro và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm đa nguy hiểm.

Một tin tốt là tài chính khí hậu đang đạt mức kỷ lục, lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2018. Tuy nhiên, hành động vẫn còn đang rất thiếu so với những gì có trong kịch bản 1.5 độ C. Các ước tính hiện cho thấy trong giai đoạn 2020 – 2030, mỗi năm sẽ cần đến 180 tỷ USD để chi trả cho các kế hoạch liên quan đến hành động về khí hậu, theo đề xuất của Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng. 

Theo bản báo cáo, dưới đây là một số khuyến nghị chiến lược cần xem xét thực hiện để thúc đẩy triển khai và tăng hiệu quả của các hệ thống cảnh báo sớm trên toàn thế giới bao gồm: Đầu tư để lấp đầy khoảng trống năng lực của hệ thống cảnh báo sớm, đặc biệt là ở các nước kém phát triển và các nước SIDs ở châu Phi; tập trung đầu tư biến thông tin cảnh báo sớm thành hành động sớm; đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho hệ thống quan sát toàn cầu làm cơ sở cho các hệ thống cảnh báo sớm; xây dựng tính nhất quán trong việc giám sát và đánh giá để xác định tốt hơn hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm...

HẠNH NHI

(Lược dịch từ World Meteorlogical Organization)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai

Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận bão lụt lớn, nên người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai
Chủ động các kịch bản phù hợp với từng địa bàn trong thiên tai

Việc giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản và người trong thiên tai, bão lũ, theo đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) thị xã Hương Trà chính là phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” và xây dựng các kịch bản phù hợp với từng địa bàn...

Chủ động các kịch bản phù hợp với từng địa bàn trong thiên tai
“Nhận diện” sớm nguy cơ để ngăn ngừa thiệt hại do mưa lũ

“Nhận diện” sớm các khu vực có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá… là vấn đề mà người dân rất quan tâm khi mùa mưa bão đến, nhằm chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với rủi ro thiên tai; tránh, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra do mưa lũ.

“Nhận diện” sớm nguy cơ để ngăn ngừa thiệt hại do mưa lũ
Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống

Các chủ đầu tư công trình thủy điện đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư cùng nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai, chủ động trước mọi tình huống xảy ra.

Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống
Return to top