Thế giới

Tương lai của báo chí trong kỷ nguyên số

ClockThứ Bảy, 20/06/2020 11:40

“Chạm tay” vào nghề báo

Nhiều báo cáo thảo luận về những khó khăn khủng khiếp của ngành truyền thông trước sự bùng nổ của internet và bong bóng truyền thông xã hội. Tuy nhiên, vẫn có những tia hy vọng về một tương lai tươi sáng cho ngành này, khi công nghệ có thể dẫn đến các mô hình mới, cho phép phóng viên thực hiện công việc tốt hơn và tạo ra những nội dung mà trước đây không thể thực hiện được. Trong tương lai đó, nội dung tin tức được cá nhân hóa và các thuật toán thông minh hơn được sử dụng để đưa tin một cách nhanh nhạy. Theo nhiều chuyên gia, các hình thức báo chí mới và sáng tạo hơn sẽ xuất hiện, dựa trên tiềm năng của một xã hội kết nối internet.

Internet từng được xem như một “mối đe dọa”

Vào giữa những năm 1990, internet nổi lên như một mối đe dọa đối với các công ty truyền thông. Nhiều nguồn thu và quảng cáo sụt giảm mạnh, cho thấy rất nhiều thách thức mà ngành này phải đối mặt. Chỉ riêng ở Mỹ, hơn 300 tờ báo đã đóng cửa từ năm 1990, và từ năm 2000-2014, nhân viên ngành báo chí ở nước này đã giảm từ 56.400 xuống còn 32.900 người.

Mặc dù báo in vẫn lưu hành và doanh thu thậm chí đang tăng ở một số quốc gia, ví dụ như Ấn Độ, nhưng một phân tích của Reuters Institute cho rằng, xu hướng này không phổ biến, và có nhiều dự đoán rằng kỹ thuật số cuối cùng sẽ thay thế cho các loại hình truyền thông in ấn, vì nó nhanh hơn, rẻ hơn và dễ cá nhân hóa hơn.

Mô hình trong tương lai

Không ai biết chính xác mô hình kinh doanh truyền thông bền vững sẽ như thế nào, nhưng vẫn có hy vọng về một tương lai tươi sáng phía trước. Người tiêu dùng muốn sản phẩm (bao gồm những thông tin liên quan, các phân tích và tin tức độc quyền) và sẵn sàng trả tiền để sử dụng chúng (thông qua quảng cáo hoặc đăng ký đọc tin dài hạn). Trong khi đó nhiều nhà báo cũng đã chuẩn bị để sản xuất những sản phẩm này với chi phí hợp lý - chỉ cần có thời cơ và thị trường phù hợp.

Trong một nghiên cứu, các chuyên gia của Ericsson, một công ty hàng đầu về công nghệ và dịch vụ truyền thông có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, đã đề xuất một số ý tưởng khả thi về các mô hình kinh doanh mới và các hình thức báo chí mới trong thời đại kỹ thuật số hiện nay như: cá nhân hoá các trang tin theo sở thích của người dùng, hợp tác với các mạng truyền thông xã hội, cộng tác với độc giả để có sự tương tác hai chiều…

Tin tức được cá nhân hóa

Trong nhiều năm, Yahoo và Google đã cung cấp các trang web tin tức được cá nhân hóa - nơi giao diện đầu tiên trong trang tin của người dùng được tùy chỉnh bằng thuật toán, dựa trên sở thích và lịch sử tìm kiếm của người đó. Nhiều tờ báo trực tuyến (chẳng hạn như tờ Winnipeg Free Press của Canada) hiện cũng đã bắt đầu cung cấp các trang tin được cá nhân hóa. Điều này có nghĩa là một độc giả quan tâm đến thể thao có thể nhìn thấy “trang nhất” khác với một người thích nghệ thuật và văn học. Đây được coi là mô hình của một hệ thống báo chí thông minh khi phần nào đoán được nội dung gì cần được thể hiện để phù hợp với từng đối tượng độc giả.

Hợp tác với các mạng truyền thông xã hội

Theo số liệu từ Ericsson, ngày nay, khoảng 40% dân số thế giới sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một nguồn tin tức. Ở Mỹ Latinh, con số này là khoảng 50%. Điều này cho thấy độc giả đang tìm kiếm tin tức theo một cách khác với truyền thống. Thay vì truy cập thẳng vào một tờ báo điện tử, một trang tin hoặc các ứng dụng đọc báo, độc giả có thể tìm thấy những câu chuyện mình quan tâm thông qua các liên kết từ Facebook, Twitter và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các biên tập viên tin tức, vì mọi người dường như tin tưởng bạn bè của họ hơn trong việc chọn những câu chuyện thú vị và phù hợp cho bản thân họ.

Do đó, giới phân tích cho rằng, các công ty truyền thông nên tìm cách làm việc với các nền tảng truyền thông xã hội hơn là chống lại chúng. Kit.se - một trang web tin tức thuộc sở hữu của công ty truyền thông Thụy Điển Bonier, đã tiên phong sử dụng Facebook làm kênh chính để tiếp cận độc giả. Bằng cách xuất hiện trên Facebook, Kit.se đã tiếp cận với độc giả trên nền tảng dữ liệu truyền thông xã hội của mình.

Sự tham gia của độc giả

Khác với báo chí truyền thống, độc giả ngày nay không chỉ đơn thuần là người đọc những tin tức được phóng viên viết ra mà họ còn có thể tham gia vào quá trình sản xuất những sản phẩm báo chí. Thông qua tác động của các phương tiện truyền thông mới như Facebook, Twitter, YouTube hay WhatsApp, các thiết bị mới như điện thoại thông minh và sự phát triển của công nghệ xuất bản kỹ thuật số dễ sử dụng, khán giả không còn muốn ngồi ở nhà và chờ đợi tin tức, mà họ muốn đóng một vai trò tích cực và tham gia vào việc tạo ra và chia sẻ tin tức. Giá trị của việc đồng sáng tạo và cộng tác với khán giả về việc đưa tin là tiếng nói của họ đang trở thành một phần của câu chuyện, từ đó trở nên gần gũi và đa chiều hơn.

Tuy vậy, báo chí vẫn giữ các giá trị cốt lõi: chọn lọc, chỉnh sửa, kiểm tra tính chính xác, phân tích và nhận xét – những nguyên tắc cơ bản của nghề báo đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và sẽ không bao giờ trở nên lỗi thời. Nếu các nhà báo tuân thủ các quy tắc này và các biên tập viên cung cấp cho họ các công cụ và hướng dẫn phù hợp, báo chí vẫn sẽ có “vị thế tốt” trong kỷ nguyên số vì rõ ràng, báo chí vẫn là một loại hình cần thiết trong mọi xã hội.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Reuters Institute & Ericsson)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những ý tưởng mới, táo bạo hướng đến Hội nghị thượng đỉnh Tương lai

Làm cho thế giới công bằng, an toàn và bền vững hơn dành cho tất cả mọi người là trọng tâm được thảo luận bởi các đại biểu tham dự, những người ủng hộ các ý tưởng mới, táo bạo được đưa ra tại phiên họp cuối cùng tại sự kiện “Ngày hành động” của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, với những thông điệp về hy vọng và thay đổi từ những người trẻ cho đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres.

Những ý tưởng mới, táo bạo hướng đến Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Thông điệp cùng hành động, kiến tạo tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hôm nay bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ.

Thông điệp cùng hành động, kiến tạo tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững
Return to top