Thế giới
TRẺ EM CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG:

Tỷ lệ tử vong vẫn cao, cần tăng cường các chương trình tiêm chủng

ClockChủ Nhật, 14/07/2024 14:04
TTH - Mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể, nhưng châu Á - Thái Bình Dương (APAC) vẫn là “điểm nóng” về tử vong ở trẻ nhỏ. Đại dịch COVID-19 càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, gây ra sự sụt giảm đáng kể trong việc tiêm chủng định kỳ. Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc phải tăng cường các chương trình tiêm chủng và đổi mới các cam kết đối với sức khỏe của trẻ em.

LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Sau những gián đoạn do đại dịch COVID-19, các chương trình tiêm chủng quốc gia cần tiếp tục được đẩy mạnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Ảnh minh họa: Getty Image 

Kể từ năm 1990, thế giới đã có những tiến bộ đáng ghi nhận trong việc giảm số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu, ước tính có khoảng 5 triệu trẻ tử vong trước sinh nhật lần thứ 5 vào năm 2021. Đó là một con số cao khủng khiếp, nhưng đã giảm so với mức 6,1 triệu trẻ tử vong vào năm 2015, với mức giảm ấn tượng 17,1%.

Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn ở mức cao. Theo dữ liệu của WHO, trong số 10 quốc gia có số trẻ dưới 5 tuổi tử vong cao nhất toàn cầu, có đến 4 quốc gia APAC.

Điều nhức nhối trong thập kỷ qua là hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang chết vì những căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được, đáng chú ý nhất là sốt rét, viêm phổi và tiêu chảy. Bên cạnh các biện pháp can thiệp để giảm thiểu số ca tử vong vì 3 căn bệnh này, tiêm chủng vẫn là chìa khóa cho sức khỏe trẻ thơ. Thực tế, các chương trình tiêm chủng quốc gia toàn diện và kịp thời đã làm giảm đáng kể bệnh sởi, rubella và bại liệt - các bệnh có khả năng lây nhiễm cao thường tấn công trẻ nhỏ.

Đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến dịch vụ y tế ở các nước đang phát triển từ giữa năm 2020. Các chương trình tiêm chủng cho trẻ em và thanh, thiếu niên bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do thiếu vaccine và nhân viên quản lý. Ngay cả khi vaccines đã được cung cấp, người dân cũng thường khó tiếp cận được do lệnh phong tỏa, vấn đề giao thông, khó khăn kinh tế hoặc sợ tiếp xúc với virus.

Tháng 7/2020, WHO gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng số ca tử vong vốn có thể tránh được do trẻ không được tiêm chủng định kỳ gây ra có thể lớn hơn nhiều so với chính COVID-19.

Hai năm sau, UNICEF báo cáo tỷ lệ trẻ em được tiêm 3 liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (một chỉ số về độ bao phủ tiêm chủng trong và giữa các quốc gia) đã giảm 5 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ 2019 - 2021 xuống còn 81%. Đây là mức giảm toàn cầu lớn nhất về tiêm chủng cho trẻ trong 30 năm qua.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet tháng 7/2021 cho thấy, sự gián đoạn rõ rệt trên toàn cầu đối với việc tiêm chủng thông thường đã xảy ra vào năm 2020, với mức độ bao phủ ước tính đã giảm hơn 7% so với mức độ bao phủ dự kiến khi không có COVID-19. Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) ước tính trong năm 2020, khoảng 8 triệu trẻ em trên khắp khu vực này không được tiêm chủng định kỳ, tăng khoảng 2,5 triệu trẻ so với năm 2019.

Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng

Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đã nhắc nhở thế giới về sức mạnh của vaccine trong việc chống lại bệnh tật, cứu sống con người và tạo ra một tương lai khỏe mạnh, an toàn hơn và thịnh vượng hơn. Giờ đây, khi đại dịch gần như đã được kiểm soát, các chương trình tiêm chủng vẫn cần tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh.

Được biết, quá trình phục hồi dần dần các chương trình tiêm chủng quốc gia đang được tiến hành, nhưng một số yếu tố - như sự lây truyền đang diễn ra, sự xuất hiện của các biến thể mới cùng nhiều yếu tố khác, có thể dễ dàng trì hoãn hoặc thậm chí làm đảo ngược tiến trình dự kiến này.

Để khôi phục lại nền tảng đã mất, các nước APAC - đặc biệt là những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cao trong lịch sử, cần tăng cường nỗ lực để nhanh chóng thiết lập lại các chương trình tiêm chủng quốc gia thường lệ. Song song đó, các hệ thống dữ liệu tiêm chủng định kỳ phải được tăng cường để cho phép đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu ở cấp địa phương và cải thiện việc giám sát tiêm chủng định kỳ theo thời gian.

Thực tế, tiêm chủng tiếp cận được với nhiều người dân APAC hơn bất kỳ dịch vụ y tế và xã hội nào khác, khiến đây trở thành nền tảng của chăm sóc sức khỏe ban đầu và là động lực chính cho bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Trong bối cảnh đại dịch đã gây ra những tác động đe dọa tiến trình giảm tỷ lệ tử vong toàn cầu ở trẻ dưới 5 tuổi, khu vực châu Á - Thái Bình Dương rõ ràng cần một cam kết mới đối với sức khỏe trẻ em để đảm bảo khu vực này đi đúng hướng, các chuyên gia hàng đầu của ADB nhấn mạnh.

Tố Quyên

(Lược dịch từ ADB & UNESCAP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top