Vào năm 2016, toàn thế giới đã thải tổng cộng 4,47 triệu tấn rác thải điện tử ra môi trường tự nhiên. Ảnh: AFP
Theo báo cáo của Liên hiệp viễn thông Quốc tế (ITU) và thống kê của Đại học Liên Hợp Quốc (UNU), vào năm 2016, toàn thế giới đã thải tổng cộng 4,47 triệu tấn rác thải điện tử ra môi trường tự nhiên, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014 và 2015, tương đương với 4.500 ngọn tháp Eiffel (Pháp). Với tình hình như hiện nay, nhiều khả năng con số này sẽ tăng lên gấp nhiều lần trong vài thập kỷ tới.
Được biết, mặc dù loại chất thải này có thể gây ra rất nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe con người cũng như môi trường tự nhiên, nhưng công đoạn tái chế, xử lý thường xuyên bị bỏ quên hoặc thực hiện hết sức sơ sài bằng các biện pháp như: đổ tập trung tại bãi rác hoặc đốt lò.
Chỉ riêng trong năm 2016, ước tính chỉ khoảng 20% số lượng rác thải điện tử (tương ứng với 8,9 tấn) được ghi nhận là đã tái sử dụng hợp lý, trong khi thông tin về số phận của 76% rác thải còn lại vẫn không được ghi chú hoặc lên kế hoạch xử lý theo đúng quy định.
Tình hình khẩn cấp
“ Quản lý chất thải điện tử là một trong những vấn đề cấp thiết cần được nhanh chóng triển khai thực hiện, trong bối cảnh toàn cầu đang phụ thuộc vào hệ thống kỹ thuật số hiện đại”, ông Houlin Zhao – Tổng Thư ký ITU nhấn mạnh. Đặc biệt là khi tổng các giá trị của nhiều thành phần, hợp chất có trong rác thải điện tử, bao gồm cả vàng có thể lên đến 64,6 tỷ USD – lớn hơn so với ngân sách kinh tế của một số quốc gia trên thế giới.
Nhận biết được tầm quan trọng của công tác khắc phục tình trạng này, nhiều quốc gia hiện đã và đang nỗ lực thực hiện kế hoạch quản lý rác thải điện tử dài hạn, đúng đắn. Cụ thể, có khoảng 66% dân số toàn cầu, sinh sống tại 67 quốc gia đang thực hiện theo nguyên tắc quản lý này. Mức tăng này được ghi nhận là cao hơn so với 44% của năm 2014 và đánh dấu sự tiến bộ trong nhận thức của từng người dân.
Bên cạnh đó, chuyên gia kỹ thuật về chất thải điện tử của ITU, bà Vanessa Gray đã đưa ra gợi ý rằng các công ty công nghệ nên đẩy mạnh xem xét tác động của chất thải điện tử đối với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, để từ đó sáng tạo và phát triển nhiều phiên bản mới mang những đặc tính của sự tiện dụng và thân thiện với môi trường.
Có thể nói, cách tốt nhất để giảm thiểu tối đa số lượng rác thải điện tử lãng phí là xây dựng một hệ thống cung cấp trực tiếp các thiết bị cần thiết cho người tiêu dùng, thay vì buôn bán tràn lan như hiện nay. Trong trường hợp các công ty, xưởng sản xuất giữ lại quyền sở hữu thiết bị và chỉ áp dụng biện pháp phân phối tạm thời cho người tiêu dùng, các cơ sở này sẽ có nhiều động cơ để thu gom, phục vụ cho công tác bảo quản hoăc tái chế đúng cách những thiết bị cũ, hư hỏng, khả năng cao tình trạng rác thải điện tử không ngừng tăng sẽ được giảm đáng kể, hoặc biến mất trong tương lai.
Hạnh Nhi (Lược dịch từ AFP)