Tổng giá trị thương mại toàn cầu dự kiến sẽ đạt gần 32.000 tỷ USD trong năm 2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo, UNCTAD ước tính thương mại hàng hóa và dịch vụ dự kiến lần lượt đạt 25.000 tỷ USD và 7.000 tỷ USD vào cuối năm nay, tương đương với mức tăng 10% và 15% so với năm 2021. Tuy nhiên, đà suy giảm đã bắt đầu xuất hiện từ quý III/2022, với giá trị giao dịch hàng hóa thấp hơn khoảng 1% so với giai đoạn từ tháng 3 - tháng 5/2022.
Đà suy giảm
Trong bản cập nhật thương mại toàn cầu vừa công bố, UNCTAD nhận định rằng mặc dù dịch vụ tăng 1,3% trong quý III, nhưng tổng giá trị trao đổi cả hàng hóa và dịch vụ dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn cuối năm.
Thật vậy, nhiều chuyên gia của UNCTAD cho rằng, các điều kiện kinh tế xấu đi và những bất ổn gia tăng đã dẫn đến tình trạng thương mại chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, sự suy giảm trong thương mại toàn cầu chỉ là danh nghĩa, do khối lượng thương mại tiếp tục tăng trong suốt năm 2022, với nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vẫn khá vững chắc. Đây được xem như một tín hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đang “chứng tỏ khả năng phục hồi”.
Mặc dù vậy, về tổng thể, giá trị thương mại quốc tế trong nửa cuối năm 2022 vẫn sụt giảm, trong đó một phần nguyên nhân được cho là do sự giảm giá của các sản phẩm sơ cấp. Ngược lại, giá của các yếu tố đầu vào trung gian và hàng tiêu dùng được giao dịch quốc tế tiếp tục tăng trong cùng kỳ, làm tăng thêm mối lo ngại về lạm phát kéo dài trên quy mô toàn cầu.
Nhìn chung, “những xung đột địa chính trị, lạm phát kéo dài và nhu cầu toàn cầu thấp hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu trong năm 2023”, UNCTAD nhấn mạnh trong báo cáo.
Những yếu tố tiêu cực
Theo UNCTAD, trong khi triển vọng thương mại toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, các yếu tố tiêu cực dường như lại càng nổi rõ.
Trong số các yếu tố tiêu cực được đưa ra, các nhà kinh tế nhấn mạnh đến nguy cơ suy giảm trong triển vọng tăng trưởng kinh tế. Gần đây, nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 đều đang được điều chỉnh giảm do giá năng lượng cao, lãi suất tăng, lạm phát kéo dài ở nhiều nền kinh tế và những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột ở Ukraine đang lan tỏa đến kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, giá năng lượng liên tục ở mức cao và giá linh kiện, cũng như hàng tiêu dùng tiếp tục tăng dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu, từ đó dẫn đến suy giảm giá trị thương mại quốc tế.
Một yếu tố khác cũng được UNCTAD đề cấp đến là mối lo ngại về tính bền vững của nợ. Rõ ràng, mức nợ toàn cầu cao kỷ lục và sự gia tăng lãi suất đang đặt ra những lo ngại đáng kể cho tính bền vững của nợ. Việc thắt chặt các điều kiện tài chính hiện nay dự kiến sẽ làm tăng thêm áp lực đối với các chính phủ đang mắc nợ cao, làm tăng tính dễ bị tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực đến các khoản đầu tư và dòng chảy thương mại quốc tế.
Những điểm tích cực đáng kỳ vọng
Tuy nhiên, nhiều nhân tố tích cực cũng được UNCTAD chỉ ra. Cụ thể, các cảng biển và công ty vận tải biển đã điều chỉnh để thích ứng với tình trạng khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra, với việc đưa các tàu mới đi vào hoạt động và tình trạng tắc nghẽn cảng phần lớn đã được giải quyết.
Đáng chú ý, các hiệp định thương mại được ký kết gần đây như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) “sẽ thành hiện thực”, từ đó mang lại nhiều thành quả và tạo đà tích cực cho toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế, báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh.
Một số yếu tố ảnh hưởng khác
Báo cáo của UNCTAD cũng đề cập đến một số yếu tố ảnh hưởng đến mô hình thương mại quốc tế, trong đó có việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều phân tích chỉ ra rằng các rủi ro và sự không chắc chắn đối với các hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn ở mức cao. Do đó, các chiến lược giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như đa dạng hóa các nhà cung cấp, reshoring (tức chuyển sản xuất về gần - là quá trình đưa hoạt động sản xuất và một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng từ nước ngoài về nước)…, có thể sẽ ảnh hưởng đến mô hình thương mại quốc tế trong năm tới.
Cũng theo đánh giá của UNCTAD, dù rủi ro và sự không chắc chắn vẫn tiếp tục ở mức cao đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, nhưng những nỗ lực hướng tới việc xây dựng nền kinh tế toàn cầu xanh hơn dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm bền vững với môi trường, đồng thời làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa có hàm lượng carbon cao và nhiên liệu hóa thạch.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp & lược dịch từ UN & AP)