|
Nhân viên cứu hộ Myanmar sơ tán trẻ em tại vùng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Ảnh: Disway |
Là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực từ đầu năm đến nay, bão Yagi đã tấn công Philippines vào đầu tháng 9 trước khi tàn phá khắp Việt Nam, Thái Lan, Lào và Myanmar.
Dữ liệu ghi nhận đến cuối ngày 17/9 cho thấy hơn 500 trường hợp tử vong do bão Yagi hiện đã được xác nhận trên toàn khu vực, bao gồm gần 300 người thiệt mạng ở Việt Nam, hơn 40 người ở Thái Lan và Lào, và ít nhất 236 người ở Myanmar. Con số này dự báo sẽ còn tăng lên khi vẫn còn hàng trăm người mất tích trong khu vực.
UNICEF khẳng định khoảng 6 triệu trẻ em đang bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, với việc tiếp cận nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nơi trú ẩn đều chịu tác động.
Trong tuyên bố ngày 18/9, bà June Kunugi - Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, cho biết “những trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc nhất do sự tàn phá của bão Yagi để lại… Ưu tiên trước mắt phải là khôi phục các dịch vụ thiết yếu mà trẻ em và các gia đình đang rất cần đến, bao gồm nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Sự gia tăng trầm trọng hơn các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở Đông Nam Á do biến đổi khí hậu là lời nhắc nhở đáng buồn rằng khi thảm họa xảy ra, trẻ em thường phải trả giá đắt nhất”.
Theo các cơ quan nhân đạo của LHQ, những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đang rất cần thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo và nơi trú ẩn an toàn.
Được biết, Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) hôm nay đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp với tổng số tiền 6,5 triệu franc Thụy Sĩ (7,69 triệu USD) để hỗ trợ Việt Nam và Myanmar khắc phục hậu quả nghiêm trọng sau bão Yagi.
“Chỉ tính riêng năm nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải đối mặt với một loạt các thảm họa không ngừng liên quan đến khí hậu”, ông Alexander Matheou - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC, cho biết trong một tuyên bố. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự tàn phá do siêu bão Yagi gây ra chỉ là ví dụ mới nhất về tác động kép của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với những người vốn đã ở trong tình trạng dễ bị tổn thương. Từ mưa bão, lũ lụt cho đến nắng nóng và hạn hán, những cuộc khủng hoảng này liên tiếp xảy ra, khiến khả năng phục hồi trở nên hạn chế.
UNICEF tuyên bố đã xác nhận thiệt hại ở hơn 850 trường học và ít nhất 550 trung tâm y tế do bão Yagi, phần lớn là ở Việt Nam, và cho biết vẫn đang tiếp tục đánh giá tình hình.
UNICEF ước tính tại Việt Nam, khoảng 3 triệu người - bao gồm nhiều trẻ em, đang phải đối mặt với nguy cơ mắc các dịch bệnh do cơn bão đã cắt đứt nguồn nước uống an toàn và hệ thống vệ sinh. Khoảng 2 triệu trẻ em Việt Nam cũng không được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ tâm lý xã hội và các chương trình cung cấp thực phẩm tại trường; trong khi hàng chục nghìn trẻ em khác ở miền bắc Thái Lan và Lào cũng bị ảnh hưởng.
Tại Myanmar, gần 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt sau cơn bão, gây thêm đau khổ cho một bộ phận dân số vốn đã phải vật lộn với hơn ba năm xung đột trong nước. Theo UNICEF, bão Yagi đã làm trầm trọng thêm “tình hình nhân đạo vốn đã rất tồi tệ” ở nước này và “đẩy những cộng đồng vốn đã bị thiệt thòi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn”.
Trước tình hình đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết sẽ triển khai một số biện pháp ứng phó khẩn cấp tại Myanmar trong tuần này, phân phối khẩu phần lương thực khẩn cấp trong một tháng cho khoảng 500.000 người.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu và đại dương ấm lên - do hoạt động của con người gây ra, đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Yagi trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, các phân tích của UNICEF chỉ ra rằng tình trạng chồng chéo giữa các mối nguy hiểm về khí hậu và nhân đạo đang ảnh hưởng không cân xứng đến trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương, nơi trẻ em có khả năng bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa khí hậu cao gấp 6 lần so với các thế hệ trước.