Thế giới

UNICEF: 8 xu hướng sẽ tác động đến trẻ em trong năm 2023

ClockChủ Nhật, 05/02/2023 06:22
TTH - Một loạt các cuộc khủng hoảng có mối liên hệ với nhau được dự báo sẽ tác động lớn đến trẻ em vào năm 2023. Một báo cáo vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố đã nêu chi tiết những xu hướng sẽ định hình cuộc sống của các em trong những tháng tới.

UNICEF khởi động sáng kiến ​​khí hậu mới tập trung vào trẻ em

Trẻ em tại một trại tị nạn ở làng Hazano, Syria. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Báo cáo với tiêu đề “Triển vọng cho trẻ em giữa đa khủng hoảng: Một cái nhìn toàn cầu năm 2023” cho hay, cuộc xung đột ở Ukraine chỉ là một trong những ví dụ về cách mà các cuộc khủng hoảng tác động đến hàng triệu người trên toàn cầu sẽ có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Được biết, cuộc xung đột này đã dẫn đến giá cả lương thực và năng lượng tăng cao, nạn đói toàn cầu và tình trạng lạm phát.

Bên cạnh đó, báo cáo của UNICEF cũng xem xét một loạt những lĩnh vực quan trọng khác, từ tác động của đại dịch COVID-19 đến sự phân mảnh của Internet, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, và đưa ra 8 xu hướng cụ thể.

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đã “phủ một bóng đen dài”, nhưng những đột phá về y tế đang mang lại hy vọng. Đại dịch nhấn mạnh sự cần thiết đối với an ninh y tế mạnh mẽ toàn cầu và nhiều quốc gia vẫn đứng trước nguy cơ. Trong đó, trẻ em thường là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo cơ quan trẻ em của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong năm 2023, điều cần thiết là thế giới cần tiếp tục củng cố kiến trúc y tế trên toàn thế giới.

Tiếp đó, những nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát đã có tác động ngoài ý muốn đối với tình trạng nghèo đói ở trẻ em. Nỗ lực kiềm chế sự tăng giá cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hẹp cơ hội việc làm, nhất là đối với những người trẻ tuổi.

Xu hướng tiếp theo dự báo, tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng sẽ tiếp tục. Tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng do hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng tắc nghẽn trong các chuỗi cung ứng quan trọng, cũng như những cuộc xung đột. Khi giá cả tăng lên, các gia đình trên khắp thế giới gặp khó khăn hơn trong việc nuôi dưỡng con cái, và điều đó có thể sẽ tiếp diễn trong năm nay. 

Ngoài ra, các cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra những tác hại trước mắt, song sự tập trung vào tính bền vững sẽ mang lại một tương lai xanh hơn. Đối với hàng tỷ người, giá năng lượng leo thang đang làm tăng mạnh chi phí sinh hoạt, và triển vọng cho năm 2023 là “không chắc chắn”. Triển vọng đó đã thúc đẩy sự tập trung thậm chí còn lớn hơn vào việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững, với tiềm năng tạo ra những việc làm mới cho người trẻ tuổi.

Dù vậy, các cuộc thảo luận nhóm tập trung với những người trẻ tuổi ở Ấn Độ, Jordan, Kenya, Vương quốc Anh và Mỹ cho thấy, một số người không xem việc làm xanh là con đường sự nghiệp khả thi, do quan niệm sai lầm và nhận thức thấp. Qua đó, UNICEF cho rằng: “Chuẩn bị cho những người trẻ đang tìm việc, nhất là phụ nữ và trẻ em gái, để họ tham gia vào thị trường việc làm, đồng thời làm việc với các Chính phủ và các công ty để thay đổi hoạt động kinh doanh và tuyển dụng, cần trở thành một phần quan trọng trong chương trình nghị sự chuyển đổi xanh”.

Tiếp theo trong số những xu hướng được UNICEF đề cập là sự tập trung vào tài chính khí hậu, và xóa nợ cho các quốc gia đang phát triển. Theo đó, các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức khi họ cố gắng phục hồi sau đại dịch, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, và đối phó với căng thẳng kinh tế. Tuy nhiên, hỗ trợ tài chính dành cho các quốc gia này không được gia tăng để đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng. Nếu không có những cải cách để khơi thông nguồn tài chính bổ sung dành cho phát triển, các nguồn lực sẽ ngày càng bị phân tán và những nhu cầu cấp thiết sẽ không được đáp ứng, và đó là một tin xấu đối với trẻ em.

Cũng trong năm 2023, có khả năng những người trẻ tuổi sẽ đóng vai trò nổi bật hơn nữa trong các phong trào xã hội, cho dù là hành động vì khí hậu, sức khỏe tâm thần, giáo dục hay bình đẳng giới. Sự ủng hộ của họ sẽ rất mạnh mẽ và  góp phần tạo động lực cho sự thay đổi.

Việc cải thiện hợp tác quốc tế cũng sẽ đóng vai trò cần thiết để các tổ chức đa phương có thể giải quyết những thách thức mà trẻ em phải đối mặt; vẫn có những cơ hội để gạt căng thẳng sang một bên, tìm tiếng nói chung và ưu tiên cho hạnh phúc của trẻ em.

Trong bối cảnh Internet trở nên bị phân mảnh hơn, trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng, bởi chúng phụ thuộc rất nhiều vào Internet để học tập và tương tác xã hội. Liên quan đến vấn đề này, bà Jasmine Cha thuộc Hiệp hội LHQ tại Calgary (Canada) lập luận: “Điều làm tôi lo lắng là thế giới càng tiến xa về mặt công nghệ, thì sự chênh lệch giữa mỗi chúng ta sẽ càng lớn. Vì vậy, chúng ta cần giải quyết điều này ngay bây giờ”.

Theo UNICEF, trong năm nay, thế giới có thể sẽ chứng kiến những nỗ lực nhằm thúc đẩy một không gian mạng miễn phí, bao trùm và an toàn, và tất cả những cơ hội để tạo ra một tương lai kỹ thuật số mang lại lợi ích cho trẻ em cũng cần được nắm bắt.

Lê Thảo

(Lược dịch từ UN News & UNICEF)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ASEAN:
Xu hướng và cơ hội đầu tư

Trong bối cảnh Đông Nam Á đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội, vai trò của giáo dục trong việc bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ năng chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Giáo dục - với tư cách là động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế và tính di động xã hội, đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi này. Các chính phủ trên khắp khu vực đang thực hiện các cải cách đầy tham vọng và tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục chất lượng ở mọi cấp độ, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.

Xu hướng và cơ hội đầu tư
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Châu Á - Thái Bình Dương:
ADB vạch ra lộ trình giải quyết tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày hôm nay (25/11) công bố Kế hoạch Hành động Môi trường giai đoạn 2024 - 2030, vạch ra lộ trình giải quyết những tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh gồm: mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ADB vạch ra lộ trình giải quyết tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh
Return to top