Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra 4 năm một lần, được tổ chức vào một ngày định trước sau ngày thứ 2 tuần đầu tháng 11 của năm cuối nhiệm kỳ.
Năm 2020 đươc ấn định vào ngày 3/11, người trúng cử sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20 tháng 1 năm kế tiếp và bắt đầu thực thi quyền hạn của tổng thống. Khoảng thời gian từ tháng 11 đến 20 tháng 1 năm sau vẫn do Tổng thống đương nhiệm đảm trách và quyết định. Bầu cử Tổng thống Mỹ có một quy trình phức tạp đã được quy định trong Hiến pháp, tuy đã có những thay đổi nhưng cơ bản vẫn ổn định cách thức từ trước Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù là một nước đa đảng nhưng chỉ có 2 đảng là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, chính xác hơn là người của 2 đảng này mới được giới thiệu làm ứng cử viên bầu tổng thống. Các đảng khác cũng có quyền cử người tranh cử nhưng phải đủ thực lực.
Trước khi bầu cử tổng thống vài tháng các Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ sẽ tổ chức đại hội và bầu chọn một ứng cử viên đạt số phiếu cao nhất làm đại diện ra tranh cử. Người thắng cử được chọn một người cho liên danh để bầu phó tổng thống. Các đảng có trách nhiệm ủng hộ ứng cử viên của đảng mình nhưng ít tổ chức tuyên truyền, cổ động mà chủ yếu do mỗi ứng cử viên tự vận động, huy động kinh phí cho chiến dịch tranh cử.
Theo quy định, các tiểu bang ở Mỹ tổ chức cơ quan bầu cử riêng, công dân toàn Liên bang đi bầu cử trong một ngày quy định.Tùy theo tình hình các tiểu bang có thể tổ chức bầu cử sớm hơn ngày chính thức và chưa công bố kết quả. Vấn đề đáng chú ý nhất là công dân Mỹ không bầu trực tiếp tổng thống mà thông qua bầu Cử tri đoàn hay còn gọi là Đại cử tri. Trên cùng một lá phiếu, cử tri vừa bầu cho ứng cử viên tổng thống, vừa bầu ra người làm đại cử tri. Người này sẽ thể theo ý nguyện vọng của cử tri phổ thông để bầu cho ứng cử viên mà phần đông cử tri đã lựa chọn. Dù quy định chung như vậy nhưng có 21 tiểu bang (chiếm gần nửa số bang) không áp đặt bắt buộc quy định này nên không thể buộc đại cử tri phải bầu cho ai! Trên thực tế quyền bầu cho ứng cử viên nào lại phụ thuộc nhiều vào ý chí của đại cử tri.
Toàn bộ Liên bang được ấn định 538 đại cử tri và được phân bổ số lượng cố định cho mỗi tiểu bang tùy theo bang lớn nhỏ khác nhau. Đại cử tri sẽ nhóm họp trong một ngày được quy định toàn quốc sau ngày bầu cử chung để bỏ phiếu bầu tổng thống. Khi tập hợp số lượng phiếu đại cử tri toàn Liên bang ứng cử viên nào nhận được từ 270 phiếu bầu trở lên sẽ trúng cử, không kể số lượng cử tri phổ thông. Chính vì vậy không thể đánh giá kết quả bầu của cử tri phổ thông mà tùy thuộc vào kết quả bầu của đại cử tri. Đó là kết quả cuối cùng và quyết định ai là người thắng cử.
Trong quy trình bầu cử tổng thống Mỹ, có một giai đoạn được gọi là tranh luận của 2 ứng cử viên tổng thống, phó tổng thống giữa 2 đảng. Đây cũng được gọi là đề án tranh cử với những chủ đề mà cử tri Mỹ quan tâm, các chính sách mới sẽ thực hiện. Đây cũng là dịp để ứng cử viên bày tỏ quan điểm về những đường lối lớn về đối nội, đối ngoại. Trong đó các ứng cử viên tổng thống có 3 cuộc tranh luận, ứng cử viên phó tổng thống có 1 cuộc. Nguyên tắc là tranh luận nhưng cũng nhiều khi còn là những cuộc tựa như “so găng trên võ đài”, là dịp để các ứng cử viên hạ thấp đối thủ, giành ảnh hưởng phiếu bầu của cử tri. Có người nhân dịp này để “chất vấn” về những điểm yếu, những “góc khuất” nhằm làm mất uy tín của đối thủ.
Bầu cử tổng thống Mỹ là sự kiện thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Vào thời điểm nước Mỹ bầu cử tổng thống luôn là vấn đề nhạy cảm không riêng nước Mỹ mà còn tác động tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu. Nhìn vào quy định trong bầu cử Mỹ có thể nói là một cuộc bầu cử tự do, dân chủ, nhưng đó chỉ xét về hình thức.
Dù đa đảng nhưng chỉ có 2 đảng mới có đủ tiềm lực và trở thành thông lệ được giới thiệu người ra tranh cử. Chúng ta theo dõi và tôn trọng kết quả bầu cử khách quan của người dân Mỹ, mong muốn tổng thống đắc cử tiếp tục có quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam.
NGUYỄN AN HÒA