Thế giới

Việt Nam chủ trì cuộc họp của HĐBA, thông qua nghị quyết về Yemen

ClockThứ Ba, 14/01/2020 09:56
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc ngày 13/1 đã họp thông qua Nghị quyết 2505 gia hạn hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc Hỗ trợ thực thi Thỏa thuận Hodeidah tại Yemen (UNMHA) và nghe Báo cáo về hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc Giám sát thực thi thỏa thuận hòa bình tại Colombia.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứngThách thức của Việt Nam khi trở thành Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc“Việt Nam nâng cao vị thế khi giữ 2 vai trò quan trọng năm 2020“Quốc tế đánh giá cao Việt Nam đắc cử ủy viên không thường trực HĐBAViệt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA với số phiếu 192/193

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu, chủ trì phiên họp HĐBA về đảm bảo thực thi hiệp định hòa bình ở Colombia sáng 13/1/2020. Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 2505 gia hạn hoạt động của UNMHA đến ngày 15/7/2020 với kết quả bỏ phiếu nhất trí của tất cả 15 nước thành viên.

UNMHA được thành lập theo Nghị quyết 2452 (ngày 16/1/2019) với nhiệm vụ chính là giám sát quá trình các bên thực hiện lệnh ngừng bắn tại bang Hodeidah và tái bố trí lực lượng quân sự ra khỏi thành phố Hodeidah, điều phối các hoạt động của Liên hợp quốc hỗ trợ các bên tại Yemen thực thi đầy đủ Thỏa thuận Hodeidah.

UNMHA hiện có 75 chuyên gia, giám sát viên hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tướng Abhijit Guha, người Ấn Độ.

Tại phiên họp nghe Báo cáo về hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc Giám sát thực thi thỏa thuận hòa bình tại Colombia, ông Carlos Ruiz Massieu, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Trưởng Phái bộ đã trình bày báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc về tình hình Colombia và hoạt động Phái bộ trong 3 tháng qua và các đề xuất lên Hội đồng Bảo an.

Theo báo cáo, tình hình Colombia thời gian gần đây tiếp tục có nhiều tiến bộ tích cực, đặc biệt là tái hòa nhập các cựu binh thuộc Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) trước đây.

Các đảng phái chính trị và tầng lớp xã hội tiếp tục cam kết và ủng hộ thực hiện thỏa thuận hòa bình, tham gia tích cực vào các dự án phát triển kinh tế, xã hội do Chính phủ và chính quyền địa phương triển khai.

Ngày 27/10/2019, Colombia đã tổ chức bầu cử cấp địa phương và thành phố lần đầu tiên từ khi ký Thỏa thuận Hòa bình năm 2016 giữa Chính phủ Colombia và FARC.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực, tội phạm vẫn tiếp diễn ở nhiều vùng sâu, vùng xa, nhất là các vụ ám sát có chủ đích nhằm vào các nhà lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các nhóm xã hội và cựu binh FARC hiện đang tham gia vào các dự án thực hiện thỏa thuận hòa bình. Đối đầu giữa các nhóm vũ trang với lực lượng quân đội, an ninh của chính phủ vẫn tiếp diễn ở Cauca và Choco.

Báo cáo cho rằng thỏa thuận hòa bình cần phải được triển khai một cách đồng đều trên tất cả các lĩnh vực liên quan, chứ không thể thực hiện một cách chọn lọc. Do đó, Liên hợp quốc cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp hỗ trợ Chính phủ Colombia và khuyến khích các cấp chính quyền địa phương sau cuộc bầu cử vừa qua tiếp tục tham gia tích cực vào việc thực hiện thỏa thuận hòa bình.

Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục cùng với Chính phủ Colombia nâng cao hiệu quả trong thực hiện các chính sách và cải cách quan trọng về nông thôn, thay thế các loại cây trồng bất hợp pháp, phòng chống tội phạm, ngăn chặn kinh tế bất hợp pháp, giảm đói nghèo, tiếp tục thực hiện cải cách chính trị..., hướng tới hòa bình toàn diện và bền vững ở Colombia.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đánh giá cao nỗ lực, hoan nghênh và ủng hộ các biện pháp thực hiện thỏa thuận hòa bình của Chính phủ Colombia và lực lượng FARC, hoan nghênh kết quả thực hiện chính sách tái hòa nhập đối với các cựu binh FARC, cho phép họ tham gia bầu cử và ứng cử vào cơ quan chính quyền địa phương trong cuộc bầu cử tháng 10/2019 vừa qua đồng thời lên án các hành vi bạo lực, tội phạm.

Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi Colombia đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo quyền lợi và an ninh cho người dân, nhất là các nhà lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các nhóm xã hội, phụ nữ, trẻ em cũng như các cựu binh FARC trước đây; chú trọng thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, giáo dục, đào tạo, dậy nghề, chăm sóc y tế...

Các nước đánh giá cao vai trò và kết quả hoạt động của Phái bộ giám sát của Liên Hiệp quốc, hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Colombia về việc mong muốn Hội đồng Bảo an gia hạn hoạt động của Phái bộ cho đến hết nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 2022.

Quang cảnh phiên họp HĐBA về đảm bảo thực thi hiệp định hòa bình ở Colom sáng 13/1/2020. Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN

Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020 đã có bài phát biểu với tư cách đại diện quốc gia, đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Chính phủ cùng các bên liên quan tại Colombia sau 3 năm ký kết thỏa thuận hòa bình.

Việt Nam đề nghị cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc bảo đảm an ninh và phát triển đối với tất cả người dân Colombia, bao gồm cả những người là cựu binh trước đây; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ Chính phủ Colombia trong các lĩnh vực quan trọng như nâng cao năng lực thực thi pháp luật, thay thế các loại cây trồng bất hợp pháp, phòng ngừa các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, tội phạm và bạo lực; kêu gọi tiếp tục các nỗ lực nhằm xác định và rà phá các khu vực bị nhiễm mìn.

Việt Nam cho rằng cần nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phát triển kinh tế, gắn kết xã hội, phát triển nông thôn, nhà ở, giáo dục, tạo việc làm..., để duy trì những tiến bộ hòa bình đã đạt được cho đến nay.

Phái bộ của Liên hợp quốc giám sát thực hiện thỏa thuận hòa bình tại Colombia được thành lập theo Nghị quyết 2366 của Hội đồng Bảo an vào năm 2017.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua
Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024

Ngày 18/11, huấn luyện viên trưởng Kim Sang Sik đã công bố danh sách 30 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Danh sách sẽ tiếp tục có sự bổ sung sau khi câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định hoàn thành thi đấu tại vòng bảng AFC Champions League Two 2024/25.

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Return to top