Trẻ em bị suy dinh dưỡng điều trị tại cơ sở y tế ở Aweil, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phiên họp đã tập trung thảo luận về tình hình Nam Sudan thời gian qua, trong đó có các tiến triển và thách thức liên quan đến vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang tại quốc gia này.
Bà Gamba ghi nhận số thương vong trẻ em do xung đột tại Nam Sudan gây ra đã giảm đáng kể từ năm 2018 sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn; đánh giá cao các nỗ lực của chính phủ chuyển tiếp và các bên liên quan tại Nam Sudan trong bảo vệ trẻ em những năm gần đây, đặc biệt là sự kiện chính phủ đã ký Chương trình hành động chung với Liên hợp quốc vào tháng 2/2020 nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ các vi phạm đối với trẻ em.
Tuy nhiên, bà Gamba nhấn mạnh trẻ em tại Nam Sudan tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khủng hoảng nhân đạo và sự gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng.
Các nước thành viên Ủy ban chia sẻ ý kiến của Đại diện đặc biệt và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bảo vệ trẻ em ở Nam Sudan.
Phát biểu với tư cách quốc gia, đại diện Việt Nam đánh giá cao những tiến triển tích cực về chính trị-an ninh tại Nam Sudan kể từ khi chính phủ chuyển tiếp được thành lập vào tháng 2/2020, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em.
Đại diện Việt Nam cũng kêu gọi Chính phủ Nam Sudan tiếp tục thúc đẩy triển khai Chương trình hành động chung với Liên hợp quốc và tăng cường bảo đảm tiếp cận lương thực, giáo dục và y tế cho trẻ em; mong muốn Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và các đối tác quốc tế khác tiếp tục hỗ trợ Nam Sudan trong tiến trình chuyển tiếp.
Ủy ban của Hội đồng Bảo an về Nam Sudan (gọi là Ủy ban 2206) là một cơ quan trực thuộc của Hội đồng Bảo an, được thành lập theo Nghị quyết 2206 (2015) của Hội đồng Bảo an với nhiệm vụ giám sát việc triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy bảo đảm hòa bình, an ninh tại quốc gia này.
Nghị quyết 2206 cũng đề nghị Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cung cấp thông tin định kỳ cho Ủy ban về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang tại Nam Sudan.
Theo thông lệ tại Hội đồng Bảo an, các nước Ủy viên không thường trực sẽ được phân công đảm nhiệm vị trí Chủ tịch các cơ quan trực thuộc của Hội đồng Bảo an. Hiện Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban nhiệm kỳ 2020-2021.
Theo TTXVN/Vietnam+