Thế giới

Việt Nam là đối tác lý tưởng của Mỹ trong nhiều vấn đề

ClockThứ Sáu, 02/06/2017 14:37
Mỹ đang thay đổi chính sách dưới thời ông Trump nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm về Biển Đông cũng như việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các thiết bị an ninh.

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần tăng cường quan hệ và hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chuyên gia Mỹ đã đánh giá cao chuyến thăm trong việc thiết lập cơ sở cho các hoạt động trong năm nay và các năm tới.

Nhân dịp này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Anthony Nelson Giám đốc phụ trách các vấn đề đông Á và Thái Bình dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge về vấn đề này.

Phóng viên (trái) phỏng vấn ông Anthony Nelson (phải), Giám đốc phụ trách các vấn đề đông Á và Thái Bình dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge.

PV: Ông nghĩ thế nào về bản Tuyên bố chung về Tăng cường mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt nam và Hoa Kỳ?

Anthony Nelson: Tôi cho rằng đây là một bước khởi đầu rất tốt. Đây là cơ sở quan trọng để mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục tiến triển. Mặc dù trong chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam chúng ta không thấy có nhiều đột phá nhưng chuyến thăm đã đặt nền móng cho việc tiếp tục cách tiếp cận tích cực mối quan hệ giữa hai nước.

Tôi thấy rằng đường hướng trong hợp tác an ninh giữa hai nước đã rõ ràng hơn là các vấn đề kinh tế. Chúng ta còn phải thảo luận nhiều hơn nữa để giải quyết các khác biệt còn tồn tại nhưng tôi cho rằng từ bản tuyên bố chung và từ các hoạt động mà chính quyền Mỹ vừa thực hiện như trao các tầu tuần tra biển cho Việt Nam, cũng như các thảo luận về biển Đông, dường như Hoa Kỳ và Việt Nam đang đạt được đồng thuận trên rất nhiều vấn đề.

PV: Trong chuyến thăm, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký nhiều hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với Hoa Kỳ?

Anthony Nelson: Trong 20 năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng rất đáng kinh ngạc, gần 100 lần. Chỉ trong 2-3 năm qua, xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam đã tăng nhanh hơn xuất khẩu của Hoa Kỳ sang bất kỳ các đối tác thương mại quan trọng khác và điều đó có nghĩa rằng không chỉ Việt Nam mang sang Hoa Kỳ nhiều hàng hóa hơn mà cũng mua nhiều hàng hóa hơn từ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, hiện tại, thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn lớn (Việt Nam đang xuất siêu vào Hoa Kỳ-PV), đứng thứ 6 trong danh sách và điều đó là một trong những mối quan tâm của chính quyền Hoa Kỳ.

Những hợp đồng được ký trong chuyến thăm đã tăng 2-3 tỷ USD trong xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam và sẽ hỗ trợ 20,000 việc làm tại Hoa Kỳ. Đây là mối quan hệ hai chiều mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên hội kiến Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: APP

PV: Có ý kiến cho rằng Tổng thống Trump tiếp tục chú ý tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vậy vai trò của Việt Nam trong chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực này là gì thưa ông?

Anthony Nelson: Việt Nam trong năm nay và trong nhiều năm trước đây là một quốc gia đi đầu trong khu vực và là một trong những nước mà Hoa Kỳ có chung quan điểm về tình hình an ninh, tầm quan trọng của đàm phán đa phương đối với các vấn đề quan trọng, tự do hàng hải và tự do thương mại, và lý tưởng về thị trường tự do và công bằng. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ quan điểm từ lâu.

Việt Nam là một đối tác lý tưởng trong nhiều vấn đề. Một vài quan điểm của Hoa Kỳ đã thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump nhưng không phải tất cả, nhiều quan điểm vẫn được giữ nguyên như vấn đề biển Đông cũng như việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các thiết bị an ninh.

Trong năm nay, với tư cách là chủ tịch APEC, Việt Nam có cơ hội quan trọng để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình và đây cũng là năm quan trọng để Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam trên các vấn đề đó và xây dựng cơ sở cho các kế hoạch của tổng thống Trump khi ông sang Việt Nam tháng 11 tới.

PV: Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và có dự đoán nào về các hoạt động sau chuyến thăm?

Anthony Nelson: Tôi cho rằng chuyến thăm đã thành công. Đây là cơ hội quan trọng để thiết lập cơ sở, xây dựng lại liên kết và mở đường cho các vấn đề cần phải giải quyết.

Tuy nhiên, điều cần thiết đó là phải xác định được mối quan hệ kinh tế sắp tới sẽ như thế nào và các bước chúng ta muốn thực hiện để giải quyết các vấn đề mà chính quyền Hoa Kỳ coi là trở ngại.

Tôi biết Việt Nam có các ý tưởng và chúng ta cần chờ xem cách chính quyền Hoa Kỳ tiếp nhận chúng như thế nào và họ muốn đi tới đâu.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024

Ngày 18/11, huấn luyện viên trưởng Kim Sang Sik đã công bố danh sách 30 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Danh sách sẽ tiếp tục có sự bổ sung sau khi câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định hoàn thành thi đấu tại vòng bảng AFC Champions League Two 2024/25.

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top