Quang cảnh phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77. Ảnh: UN
Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng Nhân quyền LHQ được bầu mới 14 thành viên, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương bầu 4 thành viên. Tại cuộc bỏ phiếu, Việt Nam trúng cử và lần thứ hai trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025.
Các thành viên khác trúng cử lần này gồm: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Grudia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Maroc, Romania, Nam Phi và Sudan.
Hội đồng Nhân quyền LHQ, trực thuộc Đại hội đồng LHQ, gồm 47 thành viên, phân bổ theo khu vực địa lý (khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 13 đại diện) và được Đại hội đồng LHQ bầu trực tiếp thông qua bỏ phiếu kín. Mỗi nhiệm kỳ của một thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ kéo dài 3 năm. Nhiệm kỳ của thành viên mới bắt đầu từ ngày 1/1.
Việc Việt Nam lần thứ hai ứng cử và được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Kết quả này cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.
Kể từ khi Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập ngày 15/3/2006, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của cơ quan này. Dấu ấn đậm nét phải kể đến là việc đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Ngày 12/11/2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới (14 thành viên mới được bầu).
Trong suốt nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên có trách nhiệm, chủ động, tích cực và xây dựng; tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người.
Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện cơ chế UPR (rà soát phổ quát định kỳ): Rà soát chuẩn bị báo cáo quốc gia chu kỳ I và chu kỳ II; đối thoại thẳng thắn với các nước tại phiên bảo vệ UPR; thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Trong chu kỳ II, Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị. Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị. Nhiều bộ, ngành cũng đề ra các kế hoạch riêng về thực hiện khuyến nghị.
Tại khóa họp thường kỳ lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 12/9 đến 7/10 vừa qua, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự khóa họp đã nhấn mạnh các ưu tiên và cam kết của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Theo đó, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là lấy con người là trung tâm của sự phát triển, bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển. Đại sứ nêu bật các nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới; thúc đẩy đối thoại, hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần khách quan và xây dựng, gắn liền với các trọng tâm của Liên Hợp Quốc và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Theo TTXVN