|
Công nhân làm việc trong dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: TTXVN |
Bằng cách sử dụng những chuẩn đối sánh này, các nhà đầu tư có thể đánh giá một cách tỉ mỉ những lợi thế và hạn chế so sánh của các quốc gia khác nhau, có tính đến những mục tiêu kinh doanh cụ thể, trọng tâm ngành và những yêu cầu riêng. Trong đó, Việt Nam nổi bật nhờ năng lực sản xuất có giá trị cao, trong khi các quốc gia khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Indonesia, Thái Lan và Malaysia cung cấp các hoạt động hiệu quả về chi phí và điều kiện thuận lợi.
Các trung tâm đầu tư mới nổi
Đông Nam Á, một khu vực nổi tiếng với những thị trường năng động và sự đa dạng về kinh tế, đang trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Với dân số hơn 650 triệu người và tổng GDP là 2,8 nghìn tỷ USD, khu vực này mang đến một lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.
Một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á là cuộc cách mạng kỹ thuật số. Khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng về kết nối internet, điều này thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và công nghệ tài chính.
Một lĩnh vực khác đang thu hút sự chú ý là công nghệ bền vững. Với sự chuyển đổi toàn cầu theo hướng bền vững, Đông Nam Á sẵn sàng dẫn đầu về những khoản đầu tư xanh. Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và cam kết thực hiện bền vững khiến khu vực này trở thành thị trường hấp dẫn cho các dự án năng lượng tái tạo và đổi mới sáng tạo thân thiện với môi trường.
Khi dự tính đầu tư vào Đông Nam Á, đặc biệt đối với những nhà đầu tư đang tìm kiếm lựa chọn thay thế hoặc đa dạng hóa từ thị trường Trung Quốc, khu vực này có triển vọng hấp dẫn. Các yếu tố như vị trí địa lý gần Trung Quốc, chi phí hoạt động tương đối thấp, và những chính sách thuận lợi của chính phủ khiến các quốc gia ở Đông Nam Á trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nghiệp muốn áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một”, nhằm bổ sung cho các hoạt động hiện có ở Trung Quốc hoặc thiết lập các cơ sở bổ sung trong khu vực.
“Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư theo đuổi cách tiếp cận “Trung Quốc cộng một”… Đặc biệt, Việt Nam đã thu hút được sự chú ý vì sự thành thạo trong việc thúc đẩy hệ sinh thái sản xuất linh hoạt, thuận lợi cho các hoạt động sản xuất có giá trị cao hơn”, ASEAN Briefing lưu ý.
Bên cạnh đó, các thị trường ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng ngày càng nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất. Các quốc gia này cung cấp sự kết hợp giữa các hoạt động cạnh tranh về chi phí, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, và hội nhập thương mại thuận lợi trong khu vực.
Thay vì áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một”, nhiều nhà đầu tư hiện đang áp dụng cách tiếp cận toàn diện hơn - “Trung Quốc cộng nhiều”. Điều này đòi hỏi phải cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu ở nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả chi phí.
Cũng theo ASEAN Briefing, các quốc gia sẵn sàng hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược này là những quốc gia có lợi thế cạnh tranh như lao động giá rẻ, cơ sở hạ tầng phát triển tốt, và hội nhập liền mạch vào các chuỗi cung ứng khu vực. Nổi bật trong số đó là Việt Nam, Indonesia và Malaysia, cùng các quốc gia khác.
Chọn đúng thị trường
Việc lựa chọn địa điểm đầu tư tối ưu ở Đông Nam Á đòi hỏi sự xem xét cẩn thận nhiều yếu tố. Mỗi quốc gia có những điểm mạnh và thách thức riêng, khiến quá trình ra quyết định trở nên phức tạp đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các yếu tố bên ngoài như thiên tai, căng thẳng địa chính trị, tranh chấp thương mại, đại dịch cũng có thể làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất. Đa dạng hóa hoạt động trên nhiều quốc gia có thể giúp giảm thiểu tác động của những sự kiện không thể lường trước.
Để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt, các nhà đầu tư thường tìm đến những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, nơi đưa ra các nghiên cứu chuẩn đối sánh “Benchmarking” đa quốc gia. Những nghiên cứu này phân tích các thông số chính như: bối cảnh chính trị, môi trường kinh tế, khung pháp lý và quy định, cơ sở hạ tầng hậu cần, thị trường lao động, chính sách thuế và khả năng sản xuất ở các quốc gia khác nhau.
Nhìn chung, Đông Nam Á mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Từ bối cảnh kỹ thuật số đến công nghệ và sản xuất bền vững, khu vực này đã chín muồi để đầu tư. Các doanh nghiệp có thể khai thác tiềm năng tăng trưởng của thị trường sôi động và đa dạng này.