Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan. Ảnh: Vietnam+
Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào năm 1995 với tư cách là thành viên thứ bảy của khối. Nhờ vào sự tiến bộ trong cải cách Nhà nước (đổi mới) và mức độ hội nhập ngày càng tăng với thế giới bên ngoài, Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và cũng là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất trong khu vực. Với hai lần đảm nhận chức vụ Chủ tịch ASEAN trong năm 1998 và 2010, Việt Nam đã thúc đẩy một số ưu tiên bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước Đông Nam Á, phát triển các thể chế mới và tăng cường hợp tác với các cường quốc khác.
Trong lần đảm nhiệm chức chủ tịch của khối vào năm 2010, đã có rất nhiều cột mốc phát triển được chứng kiến bao gồm khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) thông qua quyết định kết nạp Nga, Mỹ và ra mắt Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) như một phần của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Giới chuyên gia cho biết, cần xác nhận rõ bối cảnh cho chức vụ chủ tịch luân phiên của khối ASEAN của Việt Nam trong năm 2020 hoàn toàn khác so với những gì đã thấy trong năm 2010. Trong bối cảnh các cường quốc mà khu vực đang có sự hợp tác ngày càng tăng như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với các làn sóng biểu tình và nhiều vấn đề khác, cộng thêm môi trường khu vực và quốc tế cũng đang đối mặt với thách thức và áp lực ngày càng tăng như hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng..., câu hỏi về sự phù hợp và tính trung tâm của các thể chế khu vực do ASEAN dẫn đầu ngày càng cấp thiết cần được giải quyết.
Cũng như những hi vọng mà khu vực đã đặt ra cho Thái Lan trong nhiệm kỳ năm 2019, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng chương trình nghị sự của Việt Nam khi giữ chức vụ chủ tịch vào năm 2020 sẽ là sự pha trộn giữa tính liên tục và sự thay đổi, bao gồm tiếp quản công việc của người tiền nhiệm, song cùng lúc nhận thức rõ hành trình phát triển của ASEAN trong nhiều khía cạnh và thúc đẩy một số ưu tiên của Việt Nam.
Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa chủ tịch luân phiên ASEAN từ Thái Lan vào ngày 4/11, vị lãnh đạo đã tái khẳng định nhiệm vụ của Việt Nam về một cộng đồng ASEAN gắn kết và có trách nhiệm trong suốt thời gian đương nhiệm bao gồm: thúc đẩy sự ổn định, phát huy tinh thần đoàn kết và thống nhất, tăng cường liên kết và hợp tác kinh tế, làm sâu sắc thêm giá trị và bản sắc của các thành viên ASEAN, cũng như nâng cao hiệu quả của bộ máy ASEAN và thúc đẩy các quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu.
HẠNH NHI (Lược dịch từ Diplomat)