Vaccine ngừa COVID-19 được phân phối theo cơ chế COVAX. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, đợt chia sẻ đầu tiên sẽ được triển khai từ ngày 30/7, trong đó 9 triệu liều vaccine sẽ được gửi đến Kenya, Jamaica và một số quốc gia ở khu vực châu Á. “Các liều vaccine sẽ đến các quốc gia, những nơi dễ bị tổn thương như Lào và Campuchia, các đối tác như Indonesia, Malaysia, và một loạt các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung, từ Kenya đến Jamaica”, ông Dominic Raab nói thêm.
Được biết, khoảng 80% số liều vaccine sẽ được quyên góp thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, nhằm đảm bảo phân phối công bằng các mũi tiêm; và phần còn lại sẽ được gửi trực tiếp đến các quốc gia.
“Chúng tôi đang chia sẻ”
Trong giai đoạn đầu của quá trình phân bổ, 5 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp cho cơ chế COVAX. Cơ chế này sẽ phân phối vaccine đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn trong “một hệ thống phân bổ công bằng, ưu tiên phân phối vaccine cho những người cần chúng nhất”, Văn phòng Đối ngoại Vương quốc Anh lưu ý.
4 triệu liều vaccine khác sẽ được chia sẻ trực tiếp cho các quốc gia có nhu cầu; trong số đó, Indonesia sẽ nhận được 600.000 liều, và Jamaica sẽ nhận được 300.000 liều.
Trong một cuộc gặp với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta vào ngày 28/7, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson đã nhất trí chia sẻ ban đầu 817.000 liều vaccine cho Kenya. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, khoảng một nửa số liều vaccine của hãng AstraZeneca sẽ được gửi đến thủ đô Nairobi của Kenya trong tuần này.
“Với tư cách là bạn bè và đồng minh, chúng tôi đang chia sẻ các liều vaccine của Vương quốc Anh để hỗ trợ cuộc chiến chống lại đại dịch của Kenya”, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định trong một tuyên bố.
Những cam kết này xuất phát từ các cam kết của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), được công bố tại hội nghị thượng đỉnh do Vương quốc Anh chủ trì vào tháng 6 vừa qua, nhằm cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu thông qua các chương trình chia sẻ và tài trợ.
Trong một động thái liên quan, Mỹ tuyên bố sẽ đóng góp 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia nghèo hơn, trong khi các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đóng góp ít nhất 100 triệu liều vaccine đến cuối năm 2021.
Được biết, Vương quốc Anh đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% người trưởng thành, và Chính phủ hồi tuần trước đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế còn lại đối với cuộc sống hàng ngày ở Anh. Tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày ở Vương quốc Anh dường như đang giảm, thúc đẩy hy vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo nền kinh tế của Vương quốc Anh sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, mức tăng nhanh nhất cùng với Mỹ trong số các quốc gia G7.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The ASEAN Post & AFP)