Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng bệnh lao tại thủ đô Sofia, Bulgaria. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ), mặc dù số ca mắc bệnh lao đã giảm 9% và số ca tử vong giảm 14% trong giai đoạn 2015-2019, việc tiếp cận sự hỗ trợ đối với bệnh lao vẫn là một thách thức.
Trong một thông cáo báo chí để công bố kết quả nghiên cứu, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nhận định: “Tiếp cận công bằng đối với việc chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị và chăm sóc có chất lượng và kịp thời vẫn còn là một thách thức”.
Qua đó, người đứng đầu WHO kêu gọi, hành động tăng tốc là khẩn trương cần thiết trên toàn thế giới nếu chúng ta hướng đến việc đạt được các mục tiêu vào năm 2022.
Do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra và thường ảnh hưởng nhất đến phổi, bệnh lao lây lan qua không khí khi người mắc bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ. Mặc dù là một căn bệnh có thể chữa khỏi, nhưng vẫn có nhiều người tử vong vì lao; đây cũng là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người nhiễm HIV.
Đáng chú ý, khoảng 90% những người mắc bệnh lao mỗi năm sống ở chỉ 30 quốc gia. Hầu hết những người phát triển căn bệnh này là người trưởng thành, và có nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở nam giới hơn so với nữ giới.
Thách thức
Theo WHO, trong năm 2019, khoảng 1,4 triệu người đã tử vong vì các bệnh liên quan đến lao; và trong số khoảng 10 triệu người phát triển căn bệnh này trong năm 2019, khoảng 3 triệu người không được chẩn đoán hoặc không được báo cáo chính thức cho chính quyền quốc gia.
Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với những người bị lao kháng thuốc. Khoảng 465.000 người mới được chẩn đoán mắc lao kháng thuốc trong năm 2019 và trong số này, hơn 60% không thể tiếp cận điều trị.
WHO cho hay, cũng đã có những tiến bộ hạn chế trong việc mở rộng khả năng tiếp cận điều trị để ngăn ngừa bệnh lao; đồng thời cho biết thêm rằng, nguồn kinh phí là một thách thức lớn. Trong năm 2020, tài trợ cho phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh lao đạt 6,5 tỷ USD, bằng khoảng 1/2 mục tiêu trị giá 13 tỷ USD mà các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí vào năm 2018.
Ngoài ra, sự gián đoạn của các dịch vụ hỗ trợ do đại dịch COVID-19 gây ra đã dẫn đến sự trì hoãn hơn nữa, cơ quan y tế của LHQ lưu ý.
Ở nhiều quốc gia, nguồn nhân lực, tài chính và các nguồn lực khác được tái phân bổ từ các phản ứng đối phó với bệnh lao sang dịch bệnh COVID-19; trong khi đó, các hệ thống báo cáo và thu thập dữ liệu cũng bị ảnh hưởng.
COVID-19 và bệnh lao
Theo các hướng dẫn của WHO, các quốc gia đã và đang thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với những sự hỗ trợ thiết yếu đối với bệnh lao, bao gồm biện pháp tăng cường kiểm soát sự lây nhiễm.
Tổng cộng 108 quốc gia, trong đó có 21 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, đã mở rộng việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để cung cấp tư vấn và hỗ trợ từ xa. Các quốc gia cũng đang khuyến khích việc điều trị tại nhà cũng như điều trị dự phòng, nhằm giảm việc bệnh nhân phải đến khám tại các cơ sở y tế.
Bà Tereza Kaseva, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của WHO nhận định, các quốc gia, xã hội dân sự và các đối tác khác đã hợp lực để đảm bảo duy trì sự hỗ trợ thiết yếu cho cả bệnh lao và dịch bệnh COVID-19 đối với những người có nhu cầu.
“Những nỗ lực này rất quan trọng để củng cố các hệ thống y tế, đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người và cứu sống nhiều sinh mạng”, bà Tereza Kaseva khẳng định.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)