Thế giới

World Bank: Giảm nguồn lực tài chính để hỗ trợ việc học có thể gây hệ lụy lớn cho hàng triệu trẻ em

ClockChủ Nhật, 14/08/2022 09:59

World Bank: Tỷ lệ “nghèo học vấn” ở trẻ em trên toàn cầu đã tăng lên đến 70%World Bank duyệt chương trình 321 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế

Ngay cả trước COVID-19, thế giới đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng học tập, với gần 60% trẻ dưới 10 tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LIC và MIC) rơi vào tình trạng “nghèo học vấn” - nghĩa là chúng không thể đọc hiểu thậm chí cả một văn bản viết đơn giản. Giờ đây, những tác động của COVID-19 càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, làm tăng mạnh tình trạng “nghèo học vấn” và đào sâu thêm sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Cần đảm bảo nguồn lực cho giáo dục để tạo điều kiện tốt cho tương lai thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: makeblock.com.vn

Theo World bank, nếu không có hành động khẩn cấp để đối phó với hiện trạng này, thế giới sẽ phải đối mặt với thảm họa về học tập và nguồn nhân lực trong tương lai. Rõ ràng, nếu trẻ em không có được những kiến ​​thức cơ bản - cùng với khả năng làm toán và các kỹ năng nền tảng khác - thì tương lai của hàng trăm triệu trẻ em trên khắp thế giới và xã hội của chúng, sẽ đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để các nước hành động một cách quyết đoán hướng tới mục tiêu phục hồi và đẩy nhanh quá trình học tập. Điều này đòi hỏi những cam kết chính trị vững chắc và thực hiện các phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng để có tác động nhanh chóng. Đồng thời, một yếu tố quan trọng cần có để đối phó với tình trạng “nghèo học vấn” và khủng hoảng học tập ngày càng sâu sắc là các nguồn tài chính bổ sung.

Khoảng cách chi tiêu cho giáo dục ngày càng lớn

Báo cáo Tài chính Giáo dục năm 2022 được công bố gần đây đã cho thấy tồn tại một khoảng cách lớn trong chi tiêu cho giáo dục giữa các quốc gia giàu nhất và nghèo nhất; cũng như gánh nặng chi phí giáo dục của các hộ gia đình. Chi tiêu cho giáo dục của chính phủ, tính theo phần trăm GDP, hầu như không thay đổi trong tất cả các nhóm thu nhập của quốc gia kể từ năm 2010 - ngoại trừ các nước LIC. Trong khoảng thời gian 10 năm, tỷ trọng chi tiêu cho giáo dục của các chính phủ đã dao động nhẹ từ 4,7% - 4,9% GDP đối với các nước có thu nhập trung bình và cao, và tỷ lệ toàn cầu năm 2020 cũng ngang bằng với năm 2010. Trong khi đó, chi tiêu cho giáo dục của chính phủ trong các LIC đã có xu hướng tăng vừa phải kể từ năm 2010, đạt mức trung bình 3,6% vào năm 2020, dù vẫn thấp hơn mức chuẩn quốc tế.

Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược xu hướng tăng ổn định trong chi tiêu công thực tế bình quân đầu người cho giáo dục. 1/3 các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMIC) và 1/2 các quốc gia có thu nhập trung bình cao (UMIC) đã chi tiêu bình quân đầu người cho giáo dục trong giai đoạn 2019-2020 ít hơn so với năm 2014-2015. Vào năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, 40% LIC và LMIC đã giảm chi tiêu cho giáo dục với mức giảm trung bình là 13,5%. Số liệu cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người của chính phủ cho giáo dục là 53 USD đối với các LIC, 1.079 USD đối với UMIC và 7.787 USD ở các quốc gia có thu nhập cao (HIC) trong năm 2020. Trong khi đó, chi tiêu bình quân đầu người trong cùng kỳ của các chính phủ ở châu Phi cận Sahara là 254 USD và Nam Á là 358 USD - thấp hơn 1/10 chi tiêu bình quân đầu người ở châu Âu và Trung Á (khoảng 6.156 USD). Khoảng cách chi tiêu lớn này tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.

Viện trợ giáo dục nhiều biến động

Năm 2020, tổng viện trợ cho giáo dục đạt mức cao kỷ lục 18,1 tỷ USD. Tuy nhiên, sự gia tăng này phần lớn là do hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho các quốc gia để giúp quản lý các tác động của đại dịch. Hầu như toàn bộ sự gia tăng viện trợ cho giáo dục đến từ Liên minh châu Âu (900 triệu USD), quỹ ủy thác ưu đãi của IMF (1,6 tỷ USD). Cũng trong năm 2020, riêng Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tăng 25% hỗ trợ giáo dục cho khu vực cận Sahara ở châu Phi.

Tuy nhiên, nguồn viện trợ cho giáo dục từ các nhà tài trợ song phương đã giảm 359 triệu USD trong cùng kỳ. Theo đánh giá của World Bank, sự sụt giảm tổng thể về viện trợ song phương trực tiếp cho giáo dục là điều đáng lo ngại khi xét đến những tác động tiềm tàng của một số cuộc khủng hoảng đang diễn ra, vốn có thể có những tác động lâu dài hơn đến viện trợ cho giáo dục.

Viện trợ giáo dục đã tụt hậu so với các lĩnh vực khác trong năm 2020. Cụ thể, tỷ trọng của tổng viện trợ giáo dục đã giảm từ 11,7% năm 2010 xuống còn 9,7% năm 2020.

Rõ ràng, thế giới đã và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong tài chính giáo dục, và tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn do COVID-19. Hành động khẩn cấp là cần thiết bởi các chính phủ và các đối tác phát triển cần đặt ra các mục tiêu giáo dục cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Đồng thời,  việc thu hẹp khoảng cách nguồn lực dành cho giáo dục phải bắt đầu ngay bây giờ, để chúng ta có cơ hội xây dựng lại và định hình lại tương lai của một thế hệ trẻ, World Bank khuyến nghị.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ World Bank)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Return to top