Thể thao

ASIAD 2023: Bóng chuyền nữ Việt Nam ghi dấu ấn mạnh

ClockThứ Hai, 02/10/2023 06:43
Ngày 1/10, ngày thi đấu chính thức thứ 8 của Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 2023), Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ giành thêm 1 HCB ở nội dung đồng đội nam nữ môn cờ tướng.
Một pha chắn bóng trên lưới của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong trận đấu với đội tuyển nữ Hàn Quốc. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN 

Tuy nhiên, điểm nhấn chính là màn lội ngược dòng đầy quả cảm và giành chiến thắng trước đối thủ Hàn Quốc trong khuôn khổ lượt trận thứ 2 của bảng C bộ môn bóng chuyền nữ của các cô gái Việt Nam.

Trong trận đấu diễn ra vào sáng nay, các cô gái Việt Nam để đối thủ Hàn Quốc dẫn trước trong 2 hiệp đầu tiên. Tuy nhiên, với tinh thần thi đấu đầy quyết tâm, các nữ tuyển thủ Việt Nam đã chiến thắng ở 3 hiệp sau, đem về chiến thắng chung cuộc 3 - 2. Đáng chú ý, trong hiệp đấu quyết định cuối cùng, hai bên đã cống hiến những tình huống bóng rất hay với sự rượt đuổi tỷ số quyết liệt của các nữ tuyển thủ Hàn Quốc.

Với lợi thế tinh thần, Việt Nam giành chiến thắng với tỷ số 15 - 11. Với thể thức tương tự Giải vô địch châu Á 2023, đội tuyển bóng chuyền Việt Nam sẽ đi tiếp vào vòng 8 đội. Tại đây, đội chỉ cần một chiến thắng trước chủ nhà Trung Quốc (hạng 6 thế giới) hoặc Triều Tiên thì sẽ bước vào bán kết mà không cần phải gặp lại Hàn Quốc (do Ban tổ chức lấy lại kết quả của vòng bảng).

Trong khi đó, đội tuyển cờ tướng mang về tấm HCB nội dung đồng đội hỗn hợp khi đối đầu cùng chủ nhà Trung Quốc trong trận chung kết. Không như khi hòa nhau ở vòng bảng, các kỳ thủ Trung Quốc đã tung hết nội lực, sớm vượt lên ở hai ván đấu quan trọng giữa Zhao Xinxin - Lại Lý Huynh và Wang Linna - Nguyễn Hoàng Yến. Ngôi vô địch về tay đội tuyển Trung Quốc hoàn toàn xứng đáng, nhưng tấm HCB cũng không phải là kết quả đáng thất vọng với các kỳ thủ Việt Nam.

Cũng trong sáng 1/10, vòng loại thuyền đơn nữ kayak 500 m, Ngô Phương Thảo về đích ở vị trí thứ 5 với thành tích 2 phút 25 giây 717. Với thành tích này, Phương Thảo sẽ đấu bán kết để cạnh tranh vé vớt vào chơi chung kết. Ở vòng loại thuyền đơn nữ canoeing 200 m, Nguyễn Thị Hương về đích ở vị trí thứ hai với thành tích 53,437 giây, xếp sau VĐV Lin Wenjun của Trung Quốc. Nguyễn Thị Hương sẽ vào thi đấu chung kết.

Ở môn cầu mây, trận đầu ra quân nội dung đội tuyển 4 người nữ, đội tuyển Việt Nam thắng Myanmar 2 - 0 (21 - 16 và 21 - 9), trong khi đó đội tuyển nam của Việt Nam thua Indonesia ở nội dung 4 người.

Ở bộ môn cử tạ, đô cử Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Trần Anh Tuấn không thành công ở chung kết hạng 61kg nam môn cử tạ. Trịnh Văn Vinh thực hiện được 128 kg ở động tác cử giật và 164 kg động tác cử đẩy, đạt tổng cử 292 kg và xếp hạng 6 chung cuộc. Nguyễn Trần Anh Tuấn đạt 132 kg cử giật, 157 cử đẩy và tổng cử 294 kg, xếp hạng 5.

Ở môn Roller Sport, Việt Nam đã nhận thất bại ngay ở vòng loại. Cụ thể, ở vòng loại 100m nước rút nam, Nguyễn Võ Hữu Vinh đã không hoàn thành phần thi nên không tính kết quả. Nguyễn Hữu Nhật Linh đạt thành tích 1 phút 48.043 giây ở lượt thi loại thứ 2, đứng cuối trong 8 VĐV tham dự.

Ở bộ môn điền kinh, ngôi sao Nguyễn Thị Oanh cũng đã bỏ lỡ cơ hội giành huy chương ở nội dung sở trường 1.500m. Tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á hồi tháng 2 vừa qua, Nguyễn Thị Oanh đã xuất sắc giành tấm HCV ở nội dung này với thành tích 4 phút 15 giây 55. Tuy nhiên, trong cuộc thi chiều 1/10, dù thi đấu hết sức nỗ lực nhưng cô chỉ cán đích thứ 7/17 VĐV tranh tài ở chung kết 1.500m nữ với thành tích 4 phút 24 giây 19.

Nguyễn Thị Oanh (áo vàng, số 5) không thể tạo nên bất ngờ trên đường chạy ở ASIAD 2023. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN 

Ở nội dung chạy 1.500 dành cho nam, VĐV Lương Đức Phước chỉ về đích thứ 11/12 VĐV dự thi chung kết với thành tích 3 phút 51 giây 65, xếp trên VĐV Dzholomanov Musulman của Kazakhstan. Thành tích tốt nhất của Phước là 3 phút 46 giây 81.

Trên đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nam tại ASIAD 19 tối 1/10, nhà vô địch SEA Games, kỷ lục gia của điền kinh Việt Nam Nguyễn Trung Cường đã không gặp may trên đường về đích. VĐV điền kinh Nguyễn Trung Cường phạm lỗi kỹ thuật TR17.3.2, đây là lỗi cố tình giẫm vạch bên trong hoặc chạy hẳn vào làn trong bên phía trái ở các đoạn đường cong. Vì vậy, Nguyễn Trung Cường không được tính kết quả thi đấu ở nội dung này.

Đáng chú ý, trong sáng 1/10, VĐV điền kinh Trần Thị Nhi Yến đã giành quyền vào chung kết chạy 200m nữ. Trần Thị Nhi Yến đã tham gia đợt chạy vòng loại thứ ba nội dung 200m nữ và xếp thứ tư với thành tích 23,74 giây. Đây là thành tích tốt nhất trong mùa của cô. Kết quả này cũng giúp Nhi Yến giành một suất vào loạt chạy chung kết.

Hiện Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành tổng số 15 huy chương, trong đó có 1 HCV, 2 HCB và 12 HCĐ, tạm đứng thứ 14 trên bảng tổng kết thành tích tại ASIAD 2023.

Dưới đây là top 10 đoàn thể thao trong bảng tổng sắp huy chương tính đến 21h30 ngày 1/10:
    1. Trung Quốc 242 HC (131V, 72B, 39Đ)
    2. Hàn Quốc 125 HC (30V, 35B, 60Đ)
    3. Nhật Bản 112 HC (29V, 41B, 42Đ)
    4. Ấn Độ 52 HC (13V, 20B, 19Đ)
    5. Uzbekistan 40 HC (11V, 12B, 17Đ)
    6. Thái Lan 30 HC (10V, 6B, 14Đ)
    7. Đài Bắc Trung Hoa 33 HC (9V, 10B, 14Đ)
    8. Hong Kong (Trung Quốc) 40 HC (6V, 15B, 19Đ)
    9. Triều Tiên 19 HC (5V, 9B, 5Đ)
    10. Indonesia 18 HC (4V, 3B, 11Đ).

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được thông qua

NDO - Chiều 10/5, tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.

Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được thông qua
Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó, trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương đối xử khoan hồng, nhân đạo đối với tù, hàng binh.

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam
Hải quân Nhân dân Việt Nam: 69 năm hành trình giữ biển

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”; trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Hải quân Nhân dân Việt Nam 69 năm hành trình giữ biển
Return to top