Năm 1980, Giải A1 toàn quốc lần thứ I được tổ chức có đến 18 đội tham gia nhưng không có đại diện bóng đá Bình Trị Thiên. Một quãng thời gian dài, đặc biệt từ cuối năm 1976 đến 1980, họa hoằn lắm trên sân vận động Tự Do mới có trận đấu giao hữu của đội bóng địa phương với một đội khách, chủ yếu là vào các dịp lễ trọng; trong đó, mừng chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 hay Quốc khánh 2/9 là dịp không thể nào thiếu bóng đá.
Đội tuyển bóng đá Bình Trị Thiên năm 1977. Ảnh: tuoitre.vn
Tôi nhớ, lúc này dù ở quê bận rộn nhưng ông cháu tôi không bao giờ để sót trận banh nào trên sân Tự Do vào những ngày lễ này. Bấy giờ, gia tộc tôi có 2 người thân ở Huế, một nơi Thành Nội và một ở An Cựu. Ngày lễ, từ 5 giờ sáng, ông cháu tôi đã lên đường, cuốc bộ trên một đoạn đường dài gần 10 cây số để kịp tới sông Hương xem đua thuyền. Sau đó, vào Thành Nội rồi trở về An Cựu, nơi tôi có bà mụ cô bà rất thương con cháu. Cơm nước xong, nghỉ ngơi trong chốc lát là ông con lại nhằm hướng sân vận động mà trực chỉ, nơi có trận ba - lông (ballon) bắt đầu vào đầu giờ chiều.
Hàng chục năm rồi đi qua mà tôi vẫn không thể nào quên được cái không khí đông vui và náo nhiệt của những trận bóng dịp lễ trọng dạo ấy. Khán giả đến sân vận động từ rất sớm, dù vào dịp 1/5 trời nóng như đổ lửa. Mê bóng đá nhưng khó khăn quá, nên có rất nhiều người cứ lảng qua lảng lại để tìm vào sân không vé nên phía bên ngoài đường cứ rộn ràng hẳn lên. Cố gắng như ông cháu tôi cũng chỉ kiếm tấm vé ở khu lòng chảo, ngồi chờ bóng lăn mà chín cả người, cứ phấp pha phấp phỏng. Tuy chỉ là những trận banh giao hữu nhưng không khí cuồng nhiệt vẫn ngập tràn trên sân vận động Tự Do và với một thằng nhà quê như tôi, hơn cả tuần sau đó vẫn còn ám ảnh.
Vào đầu những 80 của thế kỷ trước, đội tuyển bóng của tỉnh lúc mang tên tuyển Bình Trị Thiên và sau đó là tuyển Sông Hương. Thời kỳ này, tôi học ở Trường Tổng hợp Huế, nơi có sân bóng Thiên Hựu. Thỉnh thoảng, vào những buổi sáng, các cầu thủ tuyển Bình Trị Thiên cũng hay vào tập nơi đây. Lúc này những tên tuổi một thời vang bóng của bóng đá Huế như thủ môn Rớt vẫn còn tập và thi đấu với các cầu thủ mới nổi như Đàn, Thụ hay Châu. Mưu sinh khó khăn, thể hình thấp bé nhẹ cân và phong độ của các cầu thủ cũng phôi pha đi rất nhiều, nhưng nhìn cách họ xử lý bóng hay không khí cười vui nơi sân tập vẫn đem đến cho fan hâm mộ như tôi những cảm tình đặc biệt.
Vào thập niên 80, sân vận động Tự Do vẫn diễn ra nhiều trận đấu trong khuôn khổ Giải A1 toàn quốc. Vẫn có đông khán giả tới sân xem Cảng Sài Gòn hay Hải Quan đấu với Quân đội hay CA Hà Nội. Thế nhưng, những con cưng của bóng đá địa phương thi đấu ở hạng A2 hay có khi thấp hơn nữa thì ngày càng mất hút, thẳng hoặc lắm mới thấy họ xuất hiện trên sân Tự Do. Ít người biết, vào những dịp lễ có khi các cầu thủ đã về tận Hương Phú (quê tôi) hay các huyện, thị của tỉnh Bình Trị Thiên dài rộng, thi đấu với các đội bóng chân đất, giúp vui cho bà con, tạo không khí rộn ràng và phấn chấn, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất.
ĐÌNH NAM