Thể thao
BƠI - LẶN HUẾ:

Chờ ngày tỏa sáng

ClockThứ Bảy, 23/01/2021 14:45
TTH - Kể từ năm 2014 - thời điểm lứa VĐV Trần Thị Thuận, Phạm Văn Mân, Dương Thùy Vân... giải nghệ, tuyển bơi Thừa Thiên Huế gần như chìm hẳn trên bản đồ thành tích quốc gia trong 1 thời gian dài. Nhưng điều này không có nghĩa bộ môn này thoái trào...

Bắn cung Huế tham dự giải đấu lớn nhất trong năm

Một buổi tập luyện của các “kình ngư” Huế

Hướng đi đúng

Sau khi những VĐV chủ lực giải nghệ, năm 2005, so sánh lợi thế, tiềm năng, những người làm thể thao Huế đã phát triển thêm môn lặn với xuất phát điểm 5 VĐV từ bơi chuyển sang, bên cạnh mạnh dạn “đập đi xây lại” khi tuyển chọn 27 VĐV năng khiếu bơi để hình thành nên tuyển bơi – lặn Huế.

Xây dựng, “làm mới” tuyển bơi – lặn nói thì đơn giản, nhưng những năm đầu giai đoạn 2015 – 2020, câu chuyện này vấp phải không ít nghi ngại lẫn khó khăn, bởi, từ việc “mất hút” một thời gian dài trên bản đồ thành tích, nhiều người cho rằng bơi Huế đã thoái trào, trong khi Huế không phải là địa phương sản sinh nhiều “kình ngư” nên việc xây dựng lại đội tuyển bơi – lặn liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn?!

Bên cạnh áp lực từ dư luận, những người làm thể thao còn vấp phải khó khăn trong công tác tuyển chọn VĐV. Tuy cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, dinh dưỡng... cho VĐV đã được tỉnh, ngành quan tâm, nâng cao hơn trước rất nhiều nhưng có một thực tế, khi tiếp cận gia đình những VĐV “trong tầm ngắm”, đa phần tư tưởng của phụ huynh và VĐV luôn tỏ ra nghi ngại khi theo đuổi thể thao thành tích cao lâu dài, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển mang tính kế thừa có chiều sâu của thể thao nói chung, bơi – lặn nói riêng.

Tuyển bơi - lặn Huế cùng vị trí thứ ba toàn đoàn tại giải vô địch các CLB quốc gia 2020

Khó khăn là vậy, nhưng với những kiên trì cùng những phân tích hợp lý liên quan đến năng khiếu, chế độ đãi ngộ và “đầu ra” cho VĐV cùng những minh chứng xác thực, như việc VĐV Nguyễn Thị Thuận, VĐV Nguyễn Thị Yến Hoa (điền kinh) được tuyển vào biên chế, đồng thời nay là HLV, hay trường hợp VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh (đá cầu) được đặc cách vào biên chế từ những thành tích nổi bật..., đến nay, số lượng VĐV tuyển bơi – lặn Huế đã lên đến 47 VĐV, trong đó 12 VĐV chuyên sâu lặn và 35 VĐV chuyên sâu bơi.

Và cũng từ khi được củng cố, làm mới, giai đoạn 2015 - 2020, bộ môn bơi – lặn Huế đã gặt hái nhiều thành tích đáng ghi nhận khi năm 2015 giành được 6 HCV, 21 HCB, 21 HCĐ; năm 2016 giành được 11 HCV, 24 HCB, 21 HCĐ, trong đó, tại giải bơi trong khuôn khổ HKPĐ toàn quốc lần thứ IX – 2016 tại Thanh Hóa, tuyển bơi Thừa Thiên Huế xếp thứ 3 toàn đoàn.

Chờ ngày tỏa sáng

Sau những thành tích đáng ghi nhận trên, từ năm 2017 đến nay, ngoài việc số huy chương ở các giải đấu đẳng cấp tăng dần theo từng năm khi giành được tổng số 59 HCV, 92 HCB, 107 HCĐ, bộ môn bơi - lặn còn chứng kiến sự trưởng thành của các VĐV khi có hàng loạt gương mặt đạt đẳng cấp kiện tướng, dự bị kiện tướng, VĐV cấp I và khoác áo tuyển trẻ quốc gia.

Đáng chú ý hơn là có 2 VĐV phá và đang giữ kỷ lục tại giải vô địch trẻ lặn quốc gia 2019 là VĐV Lê Thế Triều (phá kỷ lục 200m chân vịt đôi) và VĐV Hoàng Thị Trà My (phá kỷ lục 50m chân vịt đôi). Cũng từ thành tích này, Lê Thế Triều được khoác áo tuyển lặn quốc gia tham dự giải lặn vô địch trẻ châu Á được tổ chức tại Nhật Bản.

Không chỉ vậy, từ những đầu tư tập trung vào công tác đào tạo, gần đây, tuyển bơi – lặn Huế đã xuất hiện thêm một số nhân tố triển vọng, và nếu được tiếp tục đầu tư có chiều sâu, một số cái tên như: Lê Ngọc Hoàng (16 tuổi, môn lặn) hay Nguyễn Thị Lài, Phạm Tuấn Anh (12 tuổi, môn bơi)… tràn đầy cơ hội tỏa sáng ở những đấu trường lớn, đồng thời sẽ là những VĐV trụ cột của thế hệ kế cận.

Trên cơ sở những thành tích đạt được, bộ môn đặt mục tiêu phấn đấu có 2 – 5 VĐV tập trung đội tuyển bơi - lặn quốc gia; 1 - 2 VĐV tham dự SEA Games 21; 1 – 2 VĐV tham gia giải lặn vô địch trẻ châu Á; 1 - 2 VĐV đủ năng lực tranh chấp huy chương tại giải bơi - lặn trẻ châu Á; phấn đấu có VĐV tranh chấp đủ bộ huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022; 4 – 5 VĐV kiện tướng và 10 cấp I; đạt từ 140 – 170 huy chương các loại trong giai đoạn 2021 – 2025.

Theo ông Trần Thanh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Thể thao tỉnh, để thực hiện những mục tiêu trên, bộ môn sẽ tiến hành rà soát, thanh lọc lực lượng VĐV, đồng thời khẩn trương thực hiện tuyển chọn 10 – 15 VĐV năng khiếu để bổ sung nhằm đáp ứng tính kế thừa các nhóm tuổi: năng khiếu - trẻ - đội tuyển, tiến tới tham gia thi đấu đầy đủ các nội dung do Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam tổ chức.

“Để gặt hái nhiều hơn những thành tích cao ở các đấu trường đẳng cấp, bên cạnh cần bổ sung thêm lực lượng huấn luyện, bộ môn rất mong được tạo điều kiện để những VĐV chủ lực tập huấn ở nước ngoài cùng những đầu tư về trang phục công nghệ trong thi đấu…”, ông Trần Thanh Tuấn chia sẻ.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Viết tiếp chuyện những cô gái “Vàng”

Thể thao Thừa Thiên Huế tự hào về các thế hệ vận động viên (VĐV) xuất sắc, đã góp phần làm rạng danh cho quê hương. Điều đặc biệt, rất nhiều trong số đó là những cô gái… “Vàng”.

Viết tiếp chuyện những cô gái “Vàng”
Hơn 1.000 vận động viên tham gia chung kết Giải chạy Báo Hànộimới 2024

Sáng ngày 29/9, Giải chạy Báo Hànộimới năm 2024 đã diễn ra tại vườn hoa đền Bà Kiệu và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Sự kiện thu hút gần 3.500 người tham gia, trong đó có hơn 1.000 vận động viên, cùng 200 vận động viên quốc tế đến từ các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Hơn 1 000 vận động viên tham gia chung kết Giải chạy Báo Hànộimới 2024
Chọn lối đi riêng

Đã có những kết quả tốt tại các giải đấu trẻ, nhưng để Huế trở thành trung tâm cầu lông có tên tuổi trong “làng” cầu lông quốc gia lại là câu chuyện không thể “một sớm, một chiều”.

Chọn lối đi riêng
Olympic bị tác động bởi biến đổi khí hậu

Theo một nghiên cứu vừa được công bố ngày 31/7, đợt nắng nóng gay gắt đã bao trùm phần lớn Địa Trung Hải vào tháng trước và khiến các vận động viên cũng như người hâm mộ tại Olympic Paris phải vật lộn để ứng phó, sẽ không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do hoạt động của con người.

Olympic bị tác động bởi biến đổi khí hậu
Return to top