HLV Chu Minh Tuấn (phải) trong một buổi tập Jujitsu với thầy của mình
Vật - “mỏ vàng” của Jujitsu
Tại giải vô địch quốc gia Jujitsu 2021 khởi tranh từ 24 - 29/12 ở Vĩnh Phúc, với 14 VĐV, Jujitsu Thừa Thiên Huế giành 3 HCV, 6 HCB, 5 HCĐ và đứng nhì toàn đoàn nội dung Fighting, xuất sắc vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong số 14 VĐV tham dự giải đấu này, có 8 VĐV từ bộ môn vật chuyển sang hỗ trợ, bởi Jujitsu Huế vẫn đang tập luyện theo dạng phong trào, “không có cửa” để cạnh tranh với các VĐV chuyên nghiệp của tỉnh, thành bạn.
Đáng nói, 8 VĐV vật chỉ trải qua 1 – 2 tháng học luật cùng một số kỹ thuật thi đấu, nhưng tất cả đều giành huy chương, trong đó có 2 VĐV vật giành HCV là Nguyễn Văn Quảng và Hồ Đăng Trọng Khánh.
“Về kỹ thuật, nếu ở địa chiến, các đòn thế của vật chỉ giống Jujitsu khoảng 30% do Jujitsu chú trọng khóa, siết…, thì ở phần đánh đứng, các kỹ thuật bốc, gồng, đè… của vật và Jujitsu gần như tương đồng nên những VĐV vật tiếp cận với Jujitsu rất nhanh”, HLV Jujitsu Huế - Chu Minh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ vật, VĐV của bộ môn Judo cũng thích ứng rất nhanh nếu chuyển sang Jujitsu, bởi Jujitsu là tiền thân của Judo. Điều này cũng lý giải lý do tại các giải đấu Jujitsu, ngoài VĐV vật, khán giả thường bắt gặp không ít gương mặt vốn trước đây là VĐV Judo.
Cơ hội
Đến hiện tại, Jujitsu đã được đưa vào nội dung thi đấu tại SEA Games, ASIAD và cả Olympic. Còn ở Việt Nam, Jujitsu đã trở thành một trong những môn trọng điểm, cũng như sẽ có mặt tại ĐH Thể thao toàn quốc 2022.
VĐV vật Nguyễn Văn Quảng trên bục nhận HCV Jujitsu
Cũng chính vì vậy nên hiện không ít các tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập bộ môn Jujitsu, điều này giúp các VĐV tập luyện, thi đấu trong một môi trường chuyên nghiệp, quy củ hơn, cũng như có điều kiện phát huy hết khả năng của mình.
Về phía Thừa Thiên Huế, hiện Jujitsu vẫn đang hoạt động theo dạng phong trào, và để bắt kịp xu thế cũng như chuẩn bị các trận đánh lớn tại SEA Games 31 và cho ĐH TDTT toàn quốc, Trường trung cấp TDTT tỉnh dự kiến điều động đô nữ Đoàn Thị Kim Oanh (ĐKVĐ quốc gia vật tự do hạng 53kg) của bộ môn vật sang đội dự tuyển quốc gia Jujitsu. Tuy nhiên, SEA Games 31 chỉ tổ chức 3 hạng cân nữ là 45, 48, 52kg nội dung Ghi, trong khi sở trường của Kim Oanh ở Jujitsu là đấu No Ghi hạng 53kg hoặc 58kg.
Cũng tại SEA Games 31, nội dung vật tự do nữ tổ chức thi đấu 6 hạng cân: 50, 53, 57, 62, 68 và 76kg. Ngoài Mỹ Hạnh (62kg), Mỹ Trang (57) thì dù cơ hội không cao (do hạng 53kg trên toàn quốc có nhiều VĐV xuất sắc) nhưng dẫu sao, Kim Oanh (53kg) cũng là gương mặt sáng giá của thể thao Huế nói chung, vật Huế nói riêng trong việc cạnh tranh 1 suất tham dự ngày hội thể thao lớn nhất khu vực. Hai lý do trên, kế hoạch điều động VĐV Kim Oanh qua Jujitsu phải dừng lại, đồng nghĩa, Jujitsu Huế mất cơ hội cạnh tranh 1 suất tham dự SEA Games 31.
Sau khi kế hoạch điều động Kim Oanh không thực hiện được, Jujitsu đã được cho bộ môn vật tạm thời quản lý. Với nhiều người, đây được xem là giải pháp hợp lý để chuẩn bị cho ĐH Thể thao toàn quốc vào cuối năm nay.
Với một số người khác, bên cạnh hướng đến thành tích cao tại ĐH Thể thao toàn quốc, động thái trên được xem là chiến lược “đi tắt, đón đầu” của ngành TDTT và Trường trung cấp TDTT tỉnh trong kế hoạch thành lập bộ môn Jujitsu, bởi việc VĐV vật (và cả Judo) đã có sẵn nền tảng thể lực, kỹ thuật chuyên môn nên khi chuyển sang tập Jujitsu rất thuận lợi, từ đó trở thành lực lượng nòng cốt để phát triển bộ môn này.
Tất nhiên, để thành lập bộ môn Jujitsu không là điều đơn giản. Mừng là mới đây, HLV Jujitsu Huế - Chu Minh Tuấn vừa được Tổng cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) điều động đảm trách vai trò phụ tá HLV trưởng tuyển Jujitsu quốc gia nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31, diễn ra vào tháng 5/2022. Đây được xem là cơ hội để cá nhân HLV Chu Minh Tuấn nói riêng, tập thể Jujitsu Huế nói chung cũng hoàn thiện hơn về chuyên môn, kỹ thuật nhằm chuẩn bị tốt cho ĐH Thể thao toàn quốc vào cuối năm nay.
Quan trọng hơn, việc được huấn luyện cũng như tiếp xúc với nhiều HLV, chuyên gia giỏi trên cả nước trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại tuyển Jujitsu quốc gia sẽ giúp HLV Chu Minh Tuấn có thêm nhiều tích lũy, từ đó thuận lợi hơn trong huấn luyện chuyên môn cũng như công tác tổ chức một khi Jujitsu được thành lập bộ môn.
Nhưng để thành lập bộ môn, điều đầu tiên phải xem thành tích tại ĐH Thể thao toàn quốc 2022 của Jujitsu Huế như thế nào. Tiếp đến, ngoài lực lượng hiện có thì phương án tuyển chọn tuyến kế cận ra làm sao, bởi “đi tắt, đón đầu” không có nghĩa chỉ nhắm vào thành tích trước mắt, cụ thể ở đây là ĐH Thể thao toàn quốc 2022, và khi kết thúc ĐH… là thôi.
Bải, ảnh: HÀN ĐĂNG