Các môn sinh của CLB Vovinam chùa Điền Hương đồng diễn võ thuật tại Đại hội TDTT xã Điền Hương
“Nhân võ đạo”
Trong một lần ghé thăm chùa Thanh Hương (Phong Điền), cố võ sư Chánh chưởng quản môn phái Vovinam Nguyễn Văn Chiếu bày tỏ: “Gặp ni cô trụ trì tại ngôi chùa rất đơn sơ ở một vùng nghèo khó, nơi mà trẻ em thiếu thốn mọi mặt và với chủ trương dạy, huấn luyện cho các cháu thành những công dân tốt, thành người - chữ người đúng nghĩa... Thưa với anh em đồng môn, đừng đi tìm những gì xa vời bởi chính đây là “nhân võ đạo”.
Người đã thành lập lớp võ thuật Vovinam này chính là trụ trì chùa Thanh Hương – ni cô Thích Nữ Liên Chơn. Ni cô kể: “Thanh Hương là một làng quê nghèo. Học sinh ở làng, ngoài giờ đi học không có môi trường để sinh hoạt, rèn luyện thân thể. Khu vực này lại có nhiều ao, sông khá nguy hiểm. Thế là như một duyên lành đến với chùa khi em Phạm Thị Mỹ Châu (ni cô Chơn Châu) - một HLV Vovinam đến chùa quy y cửa Phật. Hai thầy trò tâm đầu ý hợp và quyết định mở lớp võ thuật Vovinam ngay tại chùa làng. Ý định này của chúng tôi đã được chính quyền địa phương và bà con trong làng rất ủng hộ…”.
Ngoài thời gian luyện võ, thỉnh thoảng ni cô Thích Nữ Liên Chơn còn đứng lớp giảng cho các em các bài học về đạo làm người, những giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống...
Sau khi ni cô Chơn Châu đến một chùa khác tu học thì người thay thế là võ sư Trần Gia Hoàng - võ sinh thế hệ đầu tiên ở chùa Thanh Hương và đã từng giành HCĐ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Hiện nay, CLB Vovinam chùa Thanh Hương đã phát triển khá mạnh. Điều đặc biệt là các võ sinh đến chùa Thanh Hương học võ hoàn toàn miễn phí.
Cách đây 2 tháng, Trường tiểu học Điền Lộc (Phong Điền) đã mời các võ sư của CLB về mở lớp dạy võ cho học sinh của nhà trường. HLV Trần Gia Hoàng cho biết: “Sau 5 năm hoạt động, dù có nhiều khó khăn nhưng chủ trương của Ni cô Liên Châu cũng như anh em trong CLB là dạy võ ở chùa là “nhân võ đạo” nên sẽ miễn phí mãi mãi. Đầu năm 2021, xã Điền Lộc và xã Điền Hương tổ chức Đại hội TDTT có mời CLB tham gia đồng diễn và biểu diễn võ thuật. Màn biểu diễn đã để lại ấn tượng tốt, bà con khen quá trời. Tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh hồi tháng 3 vừa qua, CLB có đưa 2 võ sinh đi thi đấu và đạt 2 giải nhì”.
Dạy võ để khai tâm
Trong suốt 20 năm qua, vào mỗi buổi sáng, võ sư Tôn Thất Bình luôn cùng luyện võ với các môn đệ ở chân núi Ngự Bình, còn buổi chiều, ông chạy xe máy lên chùa Huyền Không, cách nhà chừng 15km để dạy võ miễn phí cho các vị sư ở chùa và học sinh quanh vùng. Võ sư Tôn Thất Bình quan niệm: “Dạy võ là để khai tâm, là dạy cách làm người tốt, có trách nhiệm. Tôi cũng là thầy giáo nên tôi thấu hiểu điều này. Đó là thông qua các kiến thức võ học để các em, các cháu có đủ dung lực, nghị lực xa lánh những trò không lành mạnh, vô bổ và trở thành những người có ích cho gia đình và cộng đồng…”.
Một môn sinh của chùa Huyền Không
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp võ, võ sư Tôn Thất Bình vẫn tâm đắc với hai chữ “Tình võ”. Đó là tình sư phụ, đệ tử; tình huynh đệ và cả tình yêu với võ thuật. Ông nói: “Con nhà võ thương yêu nhau khắng khít còn hơn ruột thịt. Chính tình cảm nhân văn này mà những người học võ chân chính không bao giờ làm điều bất nhân, bất nghĩa…”.
CLB võ thuật cổ truyền Huyền Không do võ sư Tôn Thất Bình xây dựng hiện nay có 30 học viên theo học. Năm 2015, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh đã có văn bản công nhận CLB là thành viên của hội.
Võ sư Trần Công Dũng, một học trò của võ sư Tôn Thất Bình và cũng là người cùng võ sư Bình đứng lớp đã kể về một buổi học võ tại chùa Huyền Không: “Buổi tập của các môn đồ diễn ra trong âm vang ngân nga của đại hồng chung và tiếng tụng kinh trầm ấm của chư tăng trong buổi công phu chiều. Mùi hương trầm nhè nhẹ, thanh khiết lan tỏa khắp sân chùa khiến cho việc “vận công, luyện thế” dù có nặng nhọc đến mấy cũng trở nên sảng khoái, nhẹ nhàng.
Nói gì thì nói, ngoài rèn luyện sức khỏe, võ thuật vẫn là một kỹ năng tự vệ và chiến đấu. Và trong mỗi đường quyền, thế cước, khi mài dũa để nhanh hơn, mạnh hơn, chính xác hơn, trong tâm hồn của người khổ luyện cũng không khỏi dấy lên một chút gì đó gọi là sân si, bạo lực. Nếu không kịp thời hóa giải, những “chút sân hận” đó lâu dần cũng tích lũy để trở thành một khối “nội kết” đủ lớn, phiền phức vô cùng.
Cho nên, với quan niệm của người viết, luyện võ ở chùa là một môi trường thật lý tưởng. Tiếng tụng kinh của chư tăng, tiếng đại hồng chung cùng với mùi hương trầm phảng phất đem lại cho tâm hồn của các võ sinh một nguồn năng lượng thực sư an tịnh. Những hạt giống của hỷ lạc, từ bi không ngừng được tưới tẩm, vun trồng để trở thành những cây trái xanh tươi...
Bài, ảnh: PHI TÂN