Thể thao

Hai chàng lãng tử

ClockThứ Bảy, 14/08/2021 15:21
TTH - Nếu như Thanh Tuấn được biết đến với kỹ thuật qua người điêu luyện thì Tuấn Vũ lại là một cầu thủ có lối đá hừng hực khí thế trái ngược với bề ngoài thư sinh của mình…

“Thuyền trưởng” Nguyễn Đình ThọNhớ đôi tiền đạo Văn Hiền

Tuấn “lem” hiện đang trong vai trò HLV cho các chân sút nhí

Đội trưởng Tuấn “lem”

Đầu những năm 2000, bóng đá Huế có một thế hệ cầu thủ trẻ mới đầy tiềm năng thi đấu ở V. League và giải hạng Nhất quốc gia. Đó là những cầu thủ từng giành chức vô địch môn bóng đá nam THPT Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2000 tại Đồng Tháp, nổi bật là những cái tên như: Lê Văn Trương, Nguyễn Cảnh Lâm, Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn hay Nguyễn Tuấn Vũ...

Mùa bóng năm 2001, khi Huế chơi ở V. League, bên cạnh Lê Văn Trương, Nguyễn Cảnh Lâm, HLV Đoàn Phùng còn chọn thêm 1 cầu thủ mới 18 tuổi là Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn lên thi đấu ở đội 1 CLB Bóng đá Huế.

Nếu như Lê Văn Trương mạnh về tốc độ với những pha bứt tốc ở biên trái thì Thanh Tuấn - một cầu thủ mạnh về kỹ thuật qua người, được giao nhiệm vụ trấn giữ hành lang cánh phải. Việc sử dụng 2 cầu thủ trẻ trong 2 vị trí quan trọng của đội hình cho thấy ông Phùng tin tưởng vào tiềm năng của học trò mình như thế nào.

Không may cho bộ 3 cầu thủ trẻ này khi họ chỉ chơi được 1 mùa bóng ở V. League thì Huế rớt hạng sau trận thua Hà Nội ACB ở trận play-off trên sân Vinh. Nhưng đây cũng là bước ngoặt để HLV Đoàn Phùng thay máu chia tay thế hệ cầu thủ đã lớn tuổi từng mang về chức á quân năm 1995 như Quang Sang, Đình Tuấn, Văn Hòa...

Và từ mùa bóng năm 2002, Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn (khán giả Cố đô thường gọi với cái tên thân mật là Tuấn “lem”) được HLV Đoàn Phùng trao chức đội trưởng của đội bóng. Anh gắn bó với đội bóng quê hương trong suốt 6 mùa liền cùng lối chơi lãng tử với những pha bóng kỹ thuật đều cả 2 chân ở hành lang phải.

Cũng có khi anh được đẩy lên chơi ở vị trí tiền vệ phải và luôn thể hiện được vai trò thủ lĩnh của mình. Một ví dụ là ở trận đấu play- off gặp Hải Phòng trên sân Thiên Trường mùa bóng năm 2006, Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn chính là người lĩnh ấn tiên phong trong loạt sút 11m cân não và anh đã hoàn thành nhiệm vụ để góp phần đưa Huế trở lại sân chơi hạng Nhất.

Năm 24 tuổi, Thanh Tuấn gia nhập Bình Dương và sau đó thi đấu cho Hòa Phát Hà Nội rồi Sài Gòn Xuân Thành. Tuy nhiên, do chấn thương dai dẳng nên anh không thể hiện được nhiều và chia tay sự nghiệp cầu thủ khi mới 29 tuổi...

Tuấn Vũ - chân sút “thư sinh”

Nguyễn Tuấn Vũ chơi cho đội 1 của Huế từ năm 2002. Với dáng dấp thanh mảnh, gương mặt sáng và nụ cười hầu như thường trực trên môi, mỗi lần Tuấn Vũ ra sân, khán giả hay đùa: “Tuấn Vũ thì hát bolero chứ đá đấm chi…”.

Nhưng khác với bề ngoài thư sinh của mình, bên cạnh lối chơi luôn hừng hực khí thế, Tuấn Vũ còn là một cầu thủ đa năng, có thể chơi ở nhiều vị trí từ hậu vệ biên trái, tiền vệ trụ hay trung vệ. Anh chính là người thay thế vị trí ở hành lang cánh trái của Văn Trương khi tuyển thủ quốc gia này nghỉ thi đấu một thời gian dài. Sau đó, Tuấn Vũ được HLV Đoàn Phùng cũng như các HLV kế nhiệm tin tưởng ở vị trí trung vệ bên cạnh trung vệ người Brazil Marcello.

Năm 2006, Nguyễn Tuấn Vũ bất ngờ được HLV Calisto gọi vào đội tuyển Việt Nam. Ngay Tuấn Vũ cũng rất ngạc nhiên khi nói: “Bất ngờ quá! Tôi không bao giờ nghĩ mình có cơ hội khoác áo đội tuyển Việt Nam”. Nói bất ngờ bởi khi đó anh đã 27 tuổi, lại đang khoác áo một CLB hạng Nhất. Thực ra trước đó vào năm 2001, Vũ đã từng được HLV người Đức Rainer Willfeld gọi vào đội tuyển U20 quốc gia chuẩn bị SEA Games 2003 (cùng lứa với Tài Em, Minh Phương). Tuy nhiên, sau đó thì đội U20 giải tán và cái duyên với đội tuyển của Tuấn Vũ cũng cách trở cho đến khi được thầy “Tô” để mắt tới.

Gắn bó với Huda Huế cho đến mùa bóng năm 2009, sau đó Nguyễn Tuấn Vũ đầu quân cho Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Định rồi treo giày. Cũng như người đồng đội cùng trang lứa Tuấn “lem”, sau khi chia tay sự nghiệp quần đùi áo số, Tuấn Vũ không còn gắn bó với bóng đá nữa mà chuyển hẳn sang một ngành nghề khác để mưu sinh.

Bây giờ thỉnh thoảng vẫn gặp Thanh Tuấn, Tuấn Vũ đến sân Tự Do để xem các cầu thủ đàn em thi đấu. Trò chuyện với bộ đôi hậu vệ lãng tử một thời của bóng đá Huế, họ đều cho biết rất nhớ sân cỏ. Mới đây, Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn đã tìm lại niềm vui với quả bóng tròn khi anh tham gia dạy bóng đá cho các em nhỏ ở CLB bóng đá cộng đồng của Văn Trương. Nhưng với Tuấn Vũ, con đường để trở lại với bóng đá trong vai trò HLV thì vẫn quá xa...

Bài: PHI TÂN - Ảnh: HỮU THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một khởi đầu không tệ

Sau 5 vòng đầu của giải hạng Nhất 2024 - 2025, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Huế tạm thời xếp ở vị trí thứ 7/11 với 4 điểm sau 1 trận thắng, 1 trận hòa và 3 trận thua. Đây là sự khởi đầu không tệ đối với một đội bóng vừa chia tay một loạt các cầu thủ trụ cột và thành phần thay thế chủ yếu là các cầu thủ trẻ ở độ tuổi 20...

Một khởi đầu không tệ
Rèn đức & luyện tài

Có những người dành cả thanh xuân cho nghiệp quần đùi áo số, cũng có người chỉ gắn bó với quả bóng tròn chưa một tuần trăng. Dẫu ngắn hay dài, đời cầu thủ ai chẳng muốn được tôn vinh, nhưng chuyện không hề dễ dàng…

Rèn đức  luyện tài
Những “cánh én báo xuân” mới

Giải hạng Nhất Quốc gia (giải hạng Nhất) 2024 - 2025 khởi tranh được 2 vòng đấu. Khác với không khí khá im ắng như mọi năm, giải năm nay nhận được sự quan tâm, theo dõi khi những cầu thủ “hạng A” của Việt Nam đầu quân cho các đội bóng ở giải hạng Nhất.

Những “cánh én báo xuân” mới
Vòng 3 Giải hạng Nhất Quốc gia 2024-2025: CLB Bóng đá Huế - PVF Công an Nhân dân
Thất bại được dự báo

Được chơi trên sân nhà, nhưng kết quả trận đón tiếp PVF – Công an Nhân dân trong khuôn khổ vòng 3 giải hạng Nhất Quốc gia 2024-2025 của CLB Bóng đá Huế chiều 9/11 không khiến người hâm mộ quá bất ngờ.

Thất bại được dự báo
Return to top