Thể thao

Khoe tài ở Olympic

ClockThứ Sáu, 13/08/2021 18:31
TTH - Xem xong Thế vận hội Tokyo 2020, tôi như hiểu hơn ý nghĩa của từ Olympic. Bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao dưới thời Hy Lạp cổ đại và sau này vào thời hiện đại, được tổ chức lần đầu vào cuối thế kỷ 19, thế vận hội (Olympic) là cuộc tranh tài thể thao giữ các quốc gia trên thế giới.

Bế mạc thế vận hội Tokyo 2020: Sự kiện đặc biệt thời đại dịchLễ khai mạc đáng nhớ của Thế vận hội Tokyo 2020

Chỉ riêng Cung thủ An San đã mang về 3 HCV cho Hàn Quốc ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters

Có vẻ như trước kia (thời còn Liên Xô), Olympic là cuộc đấu tay đôi giữa 2 cường quốc Mỹ và Liên Xô. Một thời gian ngắn sau đó Mỹ như gã “độc cô cầu bại”, giờ đến lượt Mỹ - Trung tranh bá. Cho đến ngày thi đấu cuối cùng, người Mỹ mới chính thức vượt qua Trung Quốc để giành ngôi vị bá chủ ở Olympic 2020. Một cuộc chiến hứa hẹn sẽ ngày càng khốc liệt trong tương lai.   

Khác với các giải thi đấu quốc tế chuyên ngành, Olympic như một ngày hội khoe tài thể thao. Tay chơi siêu hạng như Mỹ hay Trung Quốc cũng chỉ khoanh vùng ở một số môn thi. Với người Mỹ, cuộc chơi tập trung chủ yếu ở bơi lội và điền kinh. Kể thêm có bóng rổ, boxing… Tại Olympic 2016, truyền thông phương Tây đưa ra một chi tiết rất ấn tượng: 80% VĐV của Mỹ đều đang học hoặc đã tốt nghiệp các trường đại học.

Còn với Trung Quốc, gần 75% số huy chương Olympic mà họ giành được kể từ năm 1984 khoanh gọn trong 6 môn thể thao, gồm bóng bàn, bắn súng, lặn, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ. Hơn 2/3 số HCV của thể thao Trung Quốc thuộc về phái nữ và hẳn nhiên, gần 70% số lượng VĐV nước này tham dự Olympic Tokyo là nữ.

Không to lớn như Mỹ hay Trung Quốc, Hàn Quốc chen lên “chiếu trên” bằng môn võ teakwondo và đặc biệt là môn bắn cung. Đội tuyển bắn cung Hàn Quốc thống trị ở Olympic hơn 3 thập kỷ nay. Tính tổng cộng, họ đã có 39 tấm huy chương các loại ở các kỳ Olympic, 23 trong số đó là huy chương vàng, bỏ xa đối thủ xếp thứ hai (Mỹ) tới 10 huy chương vàng.

Jamaica, đảo quốc xinh đẹp thuộc vùng biển Caribe chỉ có hơn 2,9 triệu người nhưng lại là quê hương của những chân chạy nước rút hàng đầu thế giới. Cứ tưởng Jamaica hết thời sau khi U.Bolt, người giữ kỷ lục chạy nhanh nhất thế giới với 9 giây 58, giải nghệ. Nào ngờ, đoàn thể thao Jamaica sở hữu 4 huy chương vàng tại Olympic Tokyo 2020 và tất cả đến từ các cự ly tốc độ môn điền kinh.

Đông Nam Á và Việt Nam xem ra cũng có một vài môn thế mạnh. Indonesia hay Malaysia có cầu lông nhưng bị cái bóng khổng lồ của Trung Quốc che khuất, chưa tính đến Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đan Mạch. Còn Thái Lan có nhiều khuôn mặt để khoe ở Tokyo, như taekwondo, golf, bắn súng, lướt ván… nhưng cũng như Việt Nam, chưa đủ sức tạo ra cuồng phong để tranh chấp sòng phẳng các tấm huy chương qua các kỳ thế vận hội.

Có tài chẳng cậy chi tài, ngay người Mỹ, ở các môn độc quyền là điền kinh và bơi lội cũng đang bị cạnh tranh ráo riết khiến họ phải chật vật mới giữ được ngôi vua ở Olympic 2020. Sự trỗi dậy của Úc và Anh ở môn bơi lội, hay Jamaica và một số nước châu Phi khiến cho người Mỹ đã đến lúc phải xem lại mình nếu muốn kéo dài sự thống trị ở các đường đua này. Tương tự là Trung Quốc với môn cầu lông, nhảy cầu hay cử tạ.

Sự canh tranh gay gắt khiến đấu trường Olympic càng trở nên sôi động. Thế nhưng muốn có huy chương vàng, đặc biệt là huy chương vàng để khoe và thi thố, mỗi người cần tìm cho mình những môn thế mạnh. Tấm huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh 5 năm trước hay những tên tuổi như Nguyễn Thị Ánh Viên ở môn bơi lội, Quách Thị Lan trong môn điền kinh chỉ là những cánh én chưa có thể làm nên nổi mùa xuân.

Sau Olympic Tokyo 2020 trắng tay, giờ là lúc thể thao Việt Nam nhìn lại. Không giống SEA Games, ở sân chơi thế giới này, muốn khẳng định tên tuổi và muốn có “vàng”, thể thao Việt Nam phải có bửu bối để riêng để khoe và để chiến thắng. Dễ mà khó!

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Olympic bị tác động bởi biến đổi khí hậu

Theo một nghiên cứu vừa được công bố ngày 31/7, đợt nắng nóng gay gắt đã bao trùm phần lớn Địa Trung Hải vào tháng trước và khiến các vận động viên cũng như người hâm mộ tại Olympic Paris phải vật lộn để ứng phó, sẽ không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do hoạt động của con người.

Olympic bị tác động bởi biến đổi khí hậu
Olympic Paris 2024: Bảng tổng sắp huy chương (6h ngày 1/8/2024)

Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8/2024. Có hơn 10.700 vận động viên tranh tài ở 32 môn thi với 329 nội dung. Tính đến 6h ngày 1/8/2024 theo giờ Việt Nam, đoàn thể thao Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng với 9 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Tiếp đến lần lượt là các đoàn: Pháp, Nhật Bản, Austraila...

Olympic Paris 2024 Bảng tổng sắp huy chương 6h ngày 1 8 2024
Return to top