Thể thao

Nâng tầm hội đua trải

ClockChủ Nhật, 20/03/2022 06:27
TTH - Chính sự kỳ công đã làm nên sự khác biệt của hội đua trải so với đua ghe, thuyền. Dẫu vậy, đua trải vẫn đang chỉ khu trú trong phạm vi mà đáng ra, có thể mở rộng, nâng tầm lễ hội này

Trải đua rộn khúc sông quê

Đua trải trên sông Như Ý năm 2022

1 - Nếu không tính lần tổ chức nhân lễ khánh thành hoàn thành trùng tu cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh – TX. Hương Thủy) vào 25/4/2021, thì sau thời gian dài tạm dừng, lễ hội đua trải được khởi động trở lại bằng hội đua trên sông Như Ý, nhân chào mừng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TX. Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (21-25/2/2022), thu hút khoảng 15 – 17 ngàn lượt người tham dự - một con số khá ấn tượng.

Cùng là phương tiện vận tải trên sông tương tự ghe, thuyền, nhưng từ lâu, trải đã được “thiêng hóa” với chức năng nghi lễ cũng như chỉ dành để đua tại mỗi kỳ lễ hội. Về mặt tâm linh, đua trải hay đua ghe, thuyền đều mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Nhưng để tham gia hội đua, công tác chuẩn bị rất công phu, tốn kém gấp mấy lần đua ghe, thuyền. Chính sự kỳ công này khiến đua trải có sức hút hơn nếu xét trên nhiều góc độ.

Để tham gia một hội đua trải, người ta phải chuẩn bị trước đó từ 5-10 ngày cho các khâu: cúng tế, hạ ván, ráp lồng, hạ thủy, tập đua bơi rồi mới bước vào đua chính thức với tổng chi phí từ 60 – 80 triệu đồng mỗi đội.

Công phu, tốn kém là vậy nhưng giải thưởng chủ yếu mang tính tượng trưng, gồm một ít tiền mặt, mâm cau trầu rượu, hay “xôm” lắm là thêm chú “heo cụi” nếu giành tam thắng và tiền thưởng… “tùy hứng” từ khán giả. Mà đó là trong trường hợp thắng giải, còn ngược lại thì nghiễm nhiên trắng tay.

Nhưng như lời ông Trần Duy Phước - Hội trưởng hội trải làng Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh): “Ngoài yếu tố tâm linh và góp phần gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống độc đáo của cha ông, tham gia đua trải còn để thỏa mãn đam mê, được sống trong không khí sôi động, thắp lên ý chí vượt khó cùng cộng đồng. Đam mê này càng “nóng” hơn khi được “truyền lửa” từ người dân quanh vùng khi họ sẵn sàng thức khuya dậy sớm chỉ để xem… ráp trải, sẵn sàng tiết kiệm tiêu pha để ủng hộ đội trải của làng, của thôn…”.

2 - Thực tế cho thấy, không phải đơn vị nào tham gia đua trải đều sở hữu riêng một chiếc trải, hoặc biết cột (ghép) trải, hoặc biết đua bơi, mà có nơi phải đi thuê trải, thuê thợ cột trải và cả thuê bạn bơi về thi đấu trong màu áo địa phương mình. Đó còn chưa kể, hiện ở Huế chỉ còn một người là ông Lê Văn Vinh ở làng Dương Nổ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) biết đóng trải.

Đua trải trên sông Vực năm 2019

Theo TS. Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, ở Quảng Bình có lễ hội đua thuyền truyền thống và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và thuyền tại lễ hội này chính là trải của Huế, hay xa hơn, là lễ hội đua ghe Ngo ở Sóc Trăng mà trải Huế chính là phiên bản thu nhỏ của ghe Ngo.

Từ điều này, cộng thêm sức hút, niềm đam mê của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, nên lan tỏa, từng bước chuyên nghiệp, nâng quy mô lễ hội đua trải truyền thống trên sông Vực (mùng 9 Tết Nguyên đán hàng năm), từ đó làm tiền đề để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này vừa góp phần gìn giữ, lan tỏa mạnh hơn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa nâng tầm và đa dạng hóa các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh nói chung, TX. Hương Thủy nói riêng, tạo thêm điểm nhấn với du khách mỗi khi đến Huế.

Theo ông Ngô Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, lễ hội đua trải truyền thống trên sông Vực gắn với miếu Bà Hồ - một trong những hóa thân của Mẹ Thiên Y A Na, cùng nhiều yếu tố tâm linh đối với người dân nơi đây nên lễ hội này chỉ có thể tổ chức ở sông Vực. Trong khi đó, lòng sông Vực khá hẹp, việc tăng số lượng trải để nâng quy mô hội đua là điều nan giải.

Một phương án khác được đưa ra, bên cạnh lễ hội đua trải truyền thống trên sông Vực, vào thời điểm thích hợp hàng năm, TX. Hương Thủy có thể phối hợp với TP. Huế hay tỉnh tổ chức thêm một hội đua khác ở sông Hương với số lượng trải có thể gấp đôi, gấp ba. Trước đó, tại Festival Huế 2010 cũng diễn ra hội đua trải trên lưu vực sông Hương, cộng với kinh nghiệm vừa tổ chức 2 hội đua trải trên sông Như Ý, việc mở rộng phạm vi, quy mô, tiến tới nâng tầm hội đua trải của Hương Thủy là điều có thể cân nhắc…

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội qua các thời kỳ

Ngày 18/12, UBND tỉnh tổ chức lễ gặp mặt cán bộ cao cấp Quân đội qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/2024). Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội qua các thời kỳ
Return to top