Thể thao

Người chắp cánh cho những thành công của tuyển vật

ClockChủ Nhật, 06/06/2021 06:06
TTH - Như một sự tình cờ được sắp đặt, thời khắc đặt chân xuống Ga Huế thăm bạn cũng chính là khi ông Đinh Văn Kiên – một trong những HLV tuyển vật nữ đầu tiên của Việt Nam gắn bó với vật Huế, với mảnh đất Cố đô cùng những thành công vang dội sau đó…

Giành 9 HCV, tuyển vật Huế phá kỷ lục của chính mình tại giải vô địch trẻThêm 1 VĐV được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen

HLV Đinh Văn Kiên (trái) tại một buổi huấn luyện cho học trò

Cuộc trò chuyện tình cờ

Trưởng bộ môn kiêm HLV tuyển vật Huế - Đinh Văn Kiên không phải là người đầu tiên chèo lái tuyển vật tỉnh, bởi trước đó, tính từ năm 1983 đến đầu năm 2006, tuyển vật tỉnh được dẫn dắt bởi một số chuyên gia, HLV của Huế và Bắc Giang. Tuy nhiên, kể từ khi HLV người Đông Anh – Hà Nội đảm trách, tuyển vật Huế nhanh chóng giành được nhiều thành tích ở các đấu trường lớn, cũng như khẳng định được vị trí của mình không chỉ trên bản đồ vật quốc gia mà còn ở khu vực Đông Nam Á.

Tháng 8/2006, mong muốn thay đổi môi trường làm việc, người đàn ông đang là HLV tuyển vật, nội dung tự do nữ của Hà Nội – Đinh Văn Kiên nhận lời vào Đà Nẵng để huấn luyện cho tuyển vật của thành phố này theo lời mời của bạn đồng môn.

Khi ngang Ga Huế, ông Đinh Văn Kiên xuống tàu với dự định ở lại Huế một, hai hôm thăm bạn (đang là HLV tuyển Taekwondo tỉnh) và những danh thắng của đất Cố đô trước khi lên tàu vào Đà Nẵng như dự định. Nhưng, một cuộc gặp gỡ tình cờ đã níu chân người đàn ông gốc Đông Anh – Hà Nội khi trong thời gian chờ bạn mình kết thúc buổi huấn luyện tại Trường trung cấp TDTT tỉnh, Đinh Văn Kiên gặp Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là ông Lê Thanh Hùng. Trong câu chuyện, khi biết Đinh Văn Kiên là HLV nội dung vật nữ, ông Hùng bảo Huế cũng đang muốn phát triển vật nữ, muốn thì em “dợt” thử vài hôm, nếu 2 bên thấy được thì mình hợp tác.

“Dù mới loanh quanh Huế một hai hôm, nhưng cảnh sắc và con người nơi đây khiến tôi cảm thấy mảnh đất này là nơi đáng để gắn bó, cộng thêm lúc đó chút máu lãng tử, muốn chinh phục thử thách trong người trỗi dậy nên tôi nhận lời thầy Hùng. Và ít ngày sau, tôi chính thức dẫn dắt tuyển vật Huế”, HLV Đinh Văn Kiên nhớ lại.

Thành công nối tiếp

Sau một năm huấn luyện và xây dựng tuyển vật nữ, HLV Đinh Văn Kiên và các học trò đã có được những “trái ngọt” đầu tiên với 8 HCB tại giải vô địch trẻ Bắc Ninh 2007. Tiếp đó, năm 2008, những nhân tố trẻ tiếp tục giành 2 HCV tại HKPĐ toàn quốc ở Phú Thọ, tương đương 2 HCV giải vô địch trẻ.

Tuyển vật nữ Huế đoạt giải nhất toàn đoàn nội dung tự do tại giải cúp quốc gia 2020

Tiếp tục một loạt thành tích ở các giải trẻ những năm kế tiếp, đến năm 2012, tuyển vật Huế lần đầu tiên giành được HCV tại giải vô địch quốc gia và giải vô địch Đông Nam Á. Kể từ thời điểm đó, tuyển vật Huế, nhất là tuyển nữ bắt đầu trở thành đối trọng với các tỉnh, thành mạnh về vật. Và từ năm 2015 đến nay, dưới bàn tay nhào nặn của HLV Đinh Văn Kiên, sự xuất hiện của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Mỹ Trang, Phạm Văn Có… với hàng loạt thành tích nổi bật, trong đó, điển hình là Mỹ Hạnh với HCĐ ASIAD, HCV SEA Games, tranh suất dự Olympic… đã giúp tuyển vật Huế chính thức có “số má” trong làng vật Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ vậy, nếu ở nhiều tỉnh, thành bạn, ở tuyển vật, mỗi nội dung (tự do nam, tự do nữ, cổ điển, dân tộc) thường có 2 HLV, thậm chí như Hà Nội mỗi nội dung có đến 5 HLV đảm trách thì tuyển vật Huế cho đến nay chỉ có mình HLV Đinh Văn Kiên “bao sân”. Dẫu vậy, với trung bình mỗi năm đóng góp 50 – 60 huy chương, trong đó từ 20 – 25 HCV vào thành tích chung của thể thao tỉnh nhà thì đây là một nỗ lực rất đáng biểu dương trong tập luyện, thi đấu của bộ môn vật nói chung, HLV Đinh Văn Kiên nói riêng.

Nói về thành tích trên, HLV Đinh Văn Kiên cho rằng, ngoài năng khiếu, thì so với mặt bằng chung, VĐV Huế rất chăm chỉ, chịu được gian khổ, thậm chí về mặt ý chí, nhiều VĐV nữ rất kiên cường, biết vươn lên. Đó là cơ sở giúp các em vượt qua giới hạn bản thân để đi đến thành công. Ngoài ra, thời điểm còn huấn luyện tuyển vật nữ Hà Nội, nhờ được làm việc chung với nhiều đời chuyên gia Nga, Trung Quốc... nên bản thân tích lũy được không ít kinh nghiệm quý báu trong công tác tuyển chọn, huấn luyện VĐV.

Cũng từ những kinh nghiệm tích lũy được, HLV Đinh Văn Kiên một mặt áp dụng, mặt khác cải tiến một số phương pháp để tăng hiệu quả trong tập luyện, thi đấu cho các VĐV.

Trong tập luyện, do khu vực miền Trung – Tây Nguyên gần như không có truyền thống về vật, dẫn tới các VĐV Huế thiếu đối trọng để cọ xát nên để khắc phục, HLV Đinh Văn Kiên dùng VĐV nam làm “quân xanh” cho các VĐV nữ. Còn trong thi đấu, như ở kỹ thuật bốc đôi, nếu như VĐV tỉnh, thành bạn có người bốc ở tư thế quỳ, người tư thế đứng thì VĐV Huế sử dụng kỹ thuật được cải tiến. Cụ thể, khi bắt đầu VĐV sẽ thực hiện tư thế quỳ, nhưng đến lúc nhập nội bất thần chuyển sang tư thế đứng. “Điều này khiến đối thủ bất ngờ, rơi vào thế bị động và “quân” mình hạn chế bị phản đòn”, HLV Đinh Văn Kiên tiết lộ.

Đến hiện tại, người đàn ông sinh năm 1977 gắn bó với Huế hơn 15 năm. Khoảng thời gian này nói dài không dài, nói ngắn không ngắn, nhưng từ những thành quả tuyển vật Huế đạt được cùng dự báo còn nối dài đủ để khẳng định tài năng, tâm huyết cùng tình yêu với vật Huế, với đất Cố đô của vị HLV gốc Đông Anh – Hà Nội.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Return to top