Trao giải cho các VĐV đoạt huy chương nội dung Đa luyện vũ khí nữ. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Ông cho biết đã đến Việt Nam 15 lần và mỗi lần đến đều cảm nhận được sự thay đổi to lớn của đất nước này, nhất là ở Thủ đô Hà Nội. Ấn tượng đối với ông lần này là một Hà Nội phát triển mạnh mẽ, phố xá được trang trí đèn, hoa, cờ và băngrôn tuyên truyền SEA Games 31. Người dân ở Hà Nội rất hiếu khách, chân tình, cởi mở.
Theo ông Djouadj, Việt Nam là một đất nước tổ chức các sự kiện lớn. "Khi đến đây, tôi cảm nhận được đang có sự kiện thể thao lớn trong khu vực đang được tổ chức tại đây. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực làm hết sức mình để có một kỳ SEA Games thành công, qua đó nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới".
Các trận đấu của môn Vovinam tại Nhà thi đấu Sóc Sơn (Hà Nội) rất sôi động, hấp dẫn, đã thu hút được đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ không chỉ cho các vận động viên nước chủ nhà, còn cổ vũ cho cả các đội khách. Khán đài luôn chật kín khán giả, một lượng lớn các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí đã đến đưa tin về giải đấu. Điều này chứng tỏ môn Vovinam có một chỗ đứng rất lớn trong lòng khán giả Việt Nam, một môn võ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam và tinh thần thượng võ của người Việt Nam và đang trở thành một môn thể thao quốc tế, giống như các môn võ Karate, Taekwondo, Judo.
Mới qua hai ngày thi đấu, ông Djouadj cho biết, ngoài các tuyển thủ Việt Nam, trình độ kỹ thuật của các vận động viên của các nước Đông Nam Á tham gia SEA Games 31 đã được cải thiện rõ rệt, không còn sự chênh lệch lớn về trình độ.
Ông Djouadj cho biết thêm, môn Vovinam hiện đang phát triển mạnh tại nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ như Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia, Philippine, Nhật Bản, Algeria, Senegal, Pháp, Italia, Đức… Tại một số quốc gia, môn Vovinam đã chiếm vị trí quan trọng hơn so với các môn võ khác. Sự xuất hiện của các Liên đoàn Vovinam châu lục góp phần đưa Vovinam lên tầm vóc mới, quảng bá hình ảnh bộ môn đến nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Djouadj, không giống như Karate, Judo, Taekwondo hay Wushu, môn võ này chưa nhận được nhiều sự tài trợ từ Chính phủ cũng như các doanh nghiệp. Ông Djouadj bày tỏ mong muốn Liên đoàn Vovinam thế giới nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ Việt Nam cũng như của các nhà tài trợ để môn võ này có sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Ông Djouadj cho biết thêm, mục tiêu của Liên đoàn Vovinam thế giới, cũng như các Liên đoàn Vovinam châu lục là vận động Ủy ban Olympic quốc tế công nhận Vovinam trở thành môn thể thao chính thức ở các kỳ tranh tài quốc tế.
Tại SEA Games 31, chương trình thi đấu Vovinam gồm 15 bộ huy chương ở 6 hạng cân đối kháng và 9 nội dung quyền với sự góp mặt của 150 võ sỹ đến từ 7 đoàn gồm: Campuchia, Indonesia, Philippine, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam, diễn ra từ ngày 18 đến 22/5 tại Nhà thi đấu Sóc Sơn, Hà Nội.
Theo giới chuyên môn, SEA Games 31 sẽ là cơ hội rất tốt để tiếp tục quảng bá môn thể thao này với bạn bè trong khu vực nói riêng và quốc tế nói chung, thu hút thêm đông đảo các quốc gia tham gia tập luyện, thúc đẩy phong trào ngày một hơn nữa. Từ đó, làm cơ sở, nền tảng vững chắc để Vovinam trở thành môn thể thao thường xuyên có mặt tại các kỳ SEA Games.
Theo TTXVN/baotintuc.vn