Thể thao quốc tế

World Cup 2018: Sự kết thúc của một thế hệ và những triết lý cũ

ClockThứ Hai, 02/07/2018 14:20
Cầm bóng nhiều, nhưng trước mặt là thiên la địa võng phòng ngự, lúc ấy sẽ chỉ còn lại cơn buồn ngủ cho khán giả World Cup không hơn không kém.

Pháp vs Uruguay: Công cường gặp thủ vữngWorld Cup 2018 đâu chỉ có bóng đá...16 đội bóng giành vé vào vòng 1/8 World Cup: Nhật - niềm tự hào châu Á

Hai thái cực, hai niềm vui của cầu thủ Nga và Tây Ban Nha - Ảnh: REUTERS

Phải thừa nhận cư dân mạng hay cụ thể hơn là tín đồ túc cầu mạng xã hội Việt Nam thật quá xuất sắc. Chỉ vài tiếng trước khi bóng lăn ở trận Nga gặp Tây Ban Nha, trên mạng xã hội đầy rẫy bức ảnh chế Ronaldo cầm tài xe gắn máy, chở Messi và Ozil kèm theo câu chú thích "Đợi chút tối nay anh đón thêm thằng cu Ramos".

Và đúng là "họ" đã đón Ramos thật khi Nga thắng TBN trên chấm luân lưu, với 2 người sút hỏng phía Tây Ban Nha là Koke và Aspas.

Lập tức khi bóng ngừng lăn đã có một tấm ảnh chế với "4 anh em trên một chiếc xe". Ramos đã cùng tham gia với Messi, Ronaldo, Ozil. Kèm theo ảnh chế ấy, có tấm ảnh Modric gào lên "Chúng mày đi đi, tao không có nhu cầu đi xe gắn máy".

Hài hước, dí dỏm, có thể hơi thẳng và thô nhưng để lại một suy ngẫm về một sự thật. World Cup này là dấu chấm hết của một thế hệ, mà ở trận Nga - Tây Ban Nha, người đáng được nhắc tới nhất là Iniesta.

Nếu ở thế hệ hoàng kim của bóng đá quốc tế với Messi, Ronaldo, Ramos…, Iniesta và Xavi xứng đáng được coi là hai tượng đài cực lớn. Họ không chơi vị trí săn bàn vốn dĩ dễ lên sân khấu hào nhoáng hơn các vị trí khác nên khó có thể cạnh tranh với Ronaldo cũng như Messi về danh tiếng. Nhưng về tài năng thì chưa chắc gì Xavi và Iniesta đã thua.

Xavi đã giã từ sự nghiệp quốc tế từ trước đó khá lâu rồi, còn Iniesta cũng coi World Cup này là lần cuối. Lần cuối của anh không trọn vẹn. Điều đó dễ hiểu. Tây Ban Nha không còn như xưa. Thế hệ của anh cũng đã đến lúc nhường sân khấu cho những người trẻ hơn. Và quan trọng nhất, triết lý cũng đã thay đổi rất nhiều.

Tây Ban Nha từng làm mưa làm gió với thứ bóng đá kiểm soát bóng tới mức đối thủ không còn bóng để chơi. Họ, với những siêu cầu thủ kỹ thuật đầy mình, không cho phép bất kỳ đối thủ nào cơ hội đủ thời gian cầm quả bóng mà tổ chức lối chơi. Triết lý ấy không cũ, nhưng lại đang cũ với những con người Tây Ban Nha hôm nay và cả với Hieiro, một HLV tạm quyền chưa ai biết được thực lực là như thế nào.

Koke và Aspas, hai cầu thủ đá hỏng luân lưu, đến từ Atletico Madrid và Celta Vigo, hai câu lạc bộ thực sự không hề được xây dựng trên nền tảng triết lý kiểm soát bóng. Và đó chỉ là một trong những ví dụ trong nhiều ví dụ khác cho thấy Tây Ban Nha đã bạc màu thế nào.

Trước Nga, Tây Ban Nha cầm bóng đến 74% thời gian thi đấu nhưng họ gần như bế tắc trong việc tìm đường vào khung thành của Akinfeev. Cơ bản, Nga kém hơn về con người, nhưng họ tổ chức tốt hơn. Đặc biệt, họ ý thức được việc tuân thủ triết lý chuyển đổi trạng thái nhanh của bóng đá hiện đại một cách nghiêm khắc nhất. Vì thế, họ chiến thắng.

Trận Argentina thua Pháp 3-4 đêm trước đó cũng vậy. Argentina cầm bóng tới 60,4%. Nhưng họ có được gì? Ngoài bàn thắng mang tính sắp đặt có ý đồ tốt của Aguero, hai bàn còn lại của họ đến từ yếu tố may mắn hoàn toàn. Di Maria sút xa cực kỹ thuật, chuẩn xác nhưng vẫn là may mắn. Còn bàn của Mercado thì may mắn hoàn toàn, đúng theo kiểu bàn thắng trên trời rơi xuống.

Pháp cho mọi người cảm giác họ đá quá cẩn trọng. Nhưng thực tế họ đá hợp lý. Khi không có bóng, họ tạo thành khối liên kết rất bền vững bao bọc trước vòng 16m50 của Lloris. Và khi đoạt được bóng, họ triển khai tấn công rất nhanh.

Những pha bứt tốc của Mbappe, những cú chuyền bóng nhanh, chính xác của Griezmann, Giroud, Matuidi, Pogba chính là minh chứng cho lối chơi hiện đại ấy. Nó có thể không hào hoa nhưng hiệu dụng.

Cách chuyển đổi thành phòng ngự tầng tầng lớp lớp của Pháp khi không có bóng đã tạo thành cái bẫy hoàn hảo cho Argentina. Giới bình luận phương Tây đã phải nhận xét rằng Pogba, Matuidi và Varane chính là cái bẫy với Messi.

Thiên tài có thể thắng ở những pha 1 đối 1 hoặc 1 đối 2 nhưng kkông thiên tài nào có thể chống lại cái bẫy chủ động giăng sẵn bởi 3 người luôn chờ đón lõng mình cả. Trong khi ở chiều ngược lại, phòng ngự của Argentina là cổ điển, thụ động và có phần quyết liệt không cần thiết.

Uruguay cũng vậy trước Bồ Đào Nha. Chỉ cầm bóng 39% nhưng Gimenez, Godin, Torreira, Nandez, Vecino luôn tạo ra cái bẫy cho Ronaldo. Họ khiến siêu sao của Real Madrid tàng hình suốt trận. Và khi đoạt lại bóng, Uruguay triển khai bằng tốc độ và sự chính xác. Cú mở bóng từ phải qua trái cho Suarez rồi Suarez lại nhồi xuống góc xa bên phải để Cavani lao vào đánh đầu mở tỉ số là ví dụ điển hình cho lối chơi chuyển đổi hiện đại ấy.

Nói chung, bóng đá hiện đại đòi hỏi tốc độ cao cũng bởi yêu cầu khả năng chuyển đổi như thế. Với các HLV hôm nay, phòng ngự và tấn công là hai trạng thái cần phải được hoán đổi tùy theo hai hoạt động: đoạt bóng và mất bóng. Đoạt bóng, lập tức triển khai bung ra tấn công, mở rộng các tuyến. Mất bóng, lập tức co lại, tạo thành những cái bẫy đón lõng để có cơ hội là đoạt bóng. Nó như một vòng lặp thực sự, và hiệu dụng.

World Cup 2018 rõ ràng là điểm chấm hết của một thế hệ vàng, khi các ngôi sao lớn theo chân nhau về nước gần đây. Chính tờ Ole của Argentina cũng phải nhận định rằng "một chấm hết cho những chấm hết: tham vọng và cả một thế hệ".

Nhưng World Cup này cũng là điểm chấm hết của triết lý kiểm soát bóng rề rà kiểu cũ. Kiểm soát bóng nhiều sẽ chỉ có ích nếu tìm được đường vào khung thành đối phương. Còn cầm bóng nhiều, nhưng trước mặt là thiên la địa võng phòng ngự, lúc ấy sẽ chỉ còn lại cơn buồn ngủ cho khán giả không hơn không kém.

Theo tuoitre.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine

Khi phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) sắp kết thúc vào tuần trước, Trung Quốc và Brazil đã tổ chức một cuộc họp bên lề với sự tham dự của 17 thành viên. Mục đích của cuộc họp kín ngày 27/9 là tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình về xung đột Ukraine.

Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine
Nga dựng tượng vinh danh các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 12/8 tại công viên “Yêu nước” (Patriot) ở ngoại ô thủ đô Moskva, gần Nhà thờ chính Các Lực lượng Vũ trang LB Nga, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham dự Lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945).

Nga dựng tượng vinh danh các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam
Return to top