Thể thao trong nước

Cần phương án tốt hơn để tuyển “mầm non” thể thao

ClockThứ Bảy, 15/09/2018 06:15
TTH - Sau khi tìm tòi, phát hiện “mầm non”, những người làm thể thao còn phải thuyết phục cũng như cần sự phối hợp rất lớn từ phụ huynh và ngành giáo dục...

Gian nan

Để đào tạo được VĐV chuyên nghiệp, sau quá trình tìm tòi, phát hiện rồi chọn ra những nhân tố thể thao tiềm năng, tiếp đó, những người làm thể thao phải trải qua một quá trình vận động, giải thích, thuyết phục với gia đình đồng ý cho con em mình vào các lớp năng khiếu thể thao. Kết thúc giai đoạn này, những người làm thể thao phải cần thêm sự phối hợp với ngành giáo dục & đào tạo để thuận tiện cho các em trong việc vừa học văn hóa, vừa tập luyện thể thao.

Bóng đá - một trong những bộ môn có nhiều học sinh trúng tuyển năng khiếu thể thao

Trong câu chuyện này, riêng việc thuyết phục gia đình học sinh đồng ý cho con em mình theo nghiệp thể thao đã là một quá trình cực kỳ gian nan. Bởi tâm lý chung của các bậc phụ huynh vẫn luôn muốn con em mình tập trung học văn hóa, còn năng khiếu thể thao, nếu phát triển được thì tốt, còn không cũng không sao.

Điều mà gia đình VĐV lo ngại là tương lai về sau khi con em mình theo nghiệp VĐV chuyên nghiệp. “Học văn hóa giỏi sau này có thể kiếm được việc làm. Trở thành VĐV chuyên nghiệp cũng tốt, nhưng chỉ lo đến khi giải nghệ không biết kiếm được việc làm hay không”, anh Biện Phúc Thành có em trai trước đây nằm trong tuyển năng khiếu bóng đá (Đoàn Bóng đá Huế) nêu ý kiến.

Sự phối hợp chưa tốt giữa 2 ngành thể thao và giáo dục cũng khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy chưa an tâm.

Mới đây, em T.Đ.C (học sinh lớp 7 – thị xã Hương Trà) trúng tuyển vào lớp năng khiếu bộ môn vật (Trường trung cấp Thể dục thể thao). Nhưng sau một thời gian, gia đình VĐV này xin rút con mình ra khỏi danh sách tuyển năng khiếu với lý do các trường đã nhập học giữa tháng 8, khai giảng chính thức ngày 5/9, nhưng đến bây giờ em C. vẫn chưa được gọi nhập học ở trường (văn hóa) mới trên địa bàn TP. Huế để thuận tiện trong việc vừa học văn hóa vừa tập luyện thể thao.

Lo ngại này đã tạo tâm lý bất an đến một số phụ huynh và hàng chục VĐV mới trúng tuyển vào các lớp năng khiếu năm học 2018-2019 của Trường trung cấp Thể dục thể thao (TDTT), Đoàn Bóng đá Huế, Trung tâm TDTT Huế... khi ngày 10/9, các em vẫn chưa nhận được quyết định đồng ý chuyển trường từ Sở Giáo dục & Đào tạo.

Ngoài ra, từ Công văn số 253 ngày 31/1/2018 của Sở Giáo dục & Đào tạo về việc chuyển trường cho các VĐV năng khiếu các môn thể dục, trong đó, ở phần 4, Sở Giáo dục & Đào tạo có ý kiến rằng: “... đề nghị Sở Văn hóa & Thể thao chỉ đạo Trường trung cấp TDTT, các trung tâm thể thao chỉ thực hiện việc chuyển trường cho các VĐV năng khiếu vào đầu năm học và không chuyển trường cho học sinh các lớp đầu cấp”. Nếu chiếu theo đề nghị này, ngành thể thao bị hụt mất nguồn VĐV năng khiếu học lớp 6 và lớp 10. Hay nói cách khác, những học sinh lớp 6 và lớp 10 khó có cơ hội phát triển năng khiếu của mình.

Một số mầm non thể thao ở môn cờ tướng

Phối hợp tốt hơn

Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Việt Vũ – Chuyên viên Sở Giáo dục & Đào tạo, phụ trách mảng giáo dục thể chất chia sẻ: “Mục đích của công văn nhằm siết chặt hơn chất lượng đầu vào. Bởi câu chuyện đi “đường vòng”, nói nôm na là dùng mác “năng khiếu thể thao” để từ đó chuyển vào các trường ở địa bàn TP.Huế không phải là không có. Tất nhiên, hiện tượng này không phổ biến, nhưng vì chất lượng dạy và học nên ngành giáo dục & đào tạo phải siết chặt trong việc chuyển trường”.

Không phải chúng tôi không tạo điều kiện cho học sinh các lớp đầu cấp, nhưng để tránh việc “đi đường vòng”, chúng tôi đã có phương án là học sinh các lớp đầu cấp nếu trúng tuyển vào các lớp năng khiếu thể thao thì cứ yên tâm học văn hóa hết một học kỳ tại trường mình mới thi đậu hoặc trúng tuyển. Qua học kỳ 2 sẽ bố trí chuyển trường để các em yên tâm vừa học văn hóa, vừa thuận tiện trong tập luyện thể thao, ông Nguyễn Văn Việt Vũ chia sẻ .

Trường hợp của em C. cũng như mấy chục trường hợp còn lại của Đoàn bóng đá Huế, Trường trung cấp TDTT, Trung tâm Thể thao Huế..., theo tôi, các em cứ yên tâm học tập bình thường ở trường các em vừa thi đậu, sau khai giảng thời gian ngắn, khi có quyết định đồng ý chuyển trường của Sở Giáo dục & Đào tạo gửi về thì các em cứ theo đó mà chuyển lên trường mới. Như vậy sẽ không làm gián đoạn chuyện học văn hóa, thầy Vũ nói.

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Đoàn bóng đá Huế chia sẻ: “Để giải quyết vướng mắc khi ngành giáo dục không nhận chuyển trường cho học sinh các lớp đầu cấp từ danh sách của ngành thể thao gửi qua, Đoàn bóng đá Huế phải thuyết phục phụ huynh tự chuyển trường cho con em mình. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng đồng ý. Nhưng ngành giáo dục và đào tạo có cái khó của họ, nhất là khi xã hội đòi hỏi chất lượng dạy và học ngày càng cao. Tôi nghĩ, hai ngành cần có sự chia sẻ, phối hợp tốt hơn”.

Giải pháp của ông Nguyễn Đình Tuấn có phần khả thi trong điều kiện hiện tại, tuy nhiên, với mục tiêu chung của 2 ngành giáo dục & thể thao là tạo điều kiện để phụ huynh tin tưởng, để học sinh yên tâm vừa được học văn hóa, vừa tập luyện thể thao, những người có trách nhiệm của 2 ngành giáo dục & thể thao cần tìm phương án phối hợp tốt nhất trong vấn đề này.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy: Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua

Các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tinh gọn bộ máy Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua
Học bằng... trải nghiệm

Nhiều năm nay, Trường mầm non Vĩnh Ninh là một điểm sáng giáo dục của thành phố Huế, với các hoạt động trải nghiệm được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Học bằng  trải nghiệm
Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành
Return to top