Một trận đấu cầu lông tại giải cầu lông Đại hội TDTT TP. Huế
Hoàn thành sớm & mang lại nhiều lợi ích
Theo đánh giá, đây là kỳ đại hội khá chủ động về mặt thời gian, nhờ các đơn vị xây dựng kế hoạch hợp lý, tổ chức thi đấu các môn phù hợp với điều kiện thời tiết và cơ sở vật chất của từng địa phương. Đơn cử huyện Phú Vang, địa phương huy động tốt người dân tham gia như xã Phú Mỹ; ngành thể thao huyện ưu tiên chọn tổ chức điểm để mời các đơn vị bạn đến học tập kinh nghiệm, sau đó về triển khai. Nhờ đó, đầu tháng 6, huyện Phú Vang mới tổ chức ĐH TDTT ở 10 địa phương, nhưng đến cuối tháng 6 thì đã hoàn thành ở 20/20 xã, thị trấn.
Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) đánh giá, việc hoàn thành sớm so với kế hoạch mang lại nhiều lợi ích, tránh được rủi ro thời tiết ở Huế thường có mưa kéo dài từ tháng 10 trở đi, trong khi tại nhiều địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đang còn thiếu nhà thi đấu, hệ thống cơ sở vật chất tập luyện trong nhà chưa đảm bảo nên đa phần phải tập luyện ngoài trời. Bên cạnh đó, tập trung tổ chức trong mùa hè cũng là giải pháp giúp huy động được đông lực lượng tham gia, tận dụng đối tượng học sinh, sinh viên nghỉ hè, tạo được hiệu quả và sức lan tỏa.
Hiện nay, ngoài huyện Phú Vang, Phong Điền cũng đã tổ chức thi đấu môn bóng đá trong khuôn khổ ĐH TDTT cấp huyện. Thực tế cho thấy, cấp cơ sở hoàn thành sớm ĐH TDTT thì VĐV có thêm thời gian tập luyện, qua đó chất lượng ở các giải đấu cũng được tăng lên.
Chuyển biến về nhận thức
Thống kê của Phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT), số môn thi đấu của các xã phường, thị trấn đều vượt kế hoạch (tối thiểu 5 môn), một số đơn vị tổ chức đến 7 - 8 môn. Số người tham gia khai mạc đại hội khá đông, trung bình từ 1.000 – 5.000 người, phần nào cho thấy chất lượng ĐH.
So với một số kỳ đại hội trước, việc huy động người dân tham gia ĐH TDTT lần này khá thuận lợi khi nhiều người dân chủ động đăng ký tham gia. Đồng thời có sự gặp mặt của đông đủ các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội như: Hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, thanh thiếu niên...
Ông Tư cho rằng, việc tự giác tham gia ĐH TDTT cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân với phong trào tập luyện TDTT. Trước đây, các địa phương phải ra sức vận động để thu hút người tham gia, nhưng hiện nay thì khó khăn này đã được khắc phục. Ngay cả ở các huyện miền núi như Nam Đông, A Lưới, người dân cũng hưởng ứng và tích cực tham gia ĐHTDTT, chất lượng thi đấu ở các địa phương này nhờ vậy tăng lên.
ĐH TDTT là cơ hội để rà soát, đánh giá phong trào thể thao quần chúng ở các địa phương thông qua số lượng người tập thể thao thường xuyên, gia đình thể thao, việc phát triển các câu lạc bộ, nhóm tập cũng như trình độ, năng lực cán bộ tổ chức, lực lượng trọng tài,… góp phần đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu thể thao đã được các cấp đề ra. Nhìn vào những gì đang diễn ra tại ĐH TDTT cấp cơ sở có thể lạc quan vào phong trào thể thao quần chúng trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hữu Phúc