Thể thao trong nước

Nghĩ đến một Festival thể thao tại Huế

ClockThứ Bảy, 08/09/2018 06:45
TTH - Với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân, các vận động viên trong và ngoài nước trong các sự kiện thể thao, gồm: Ngày hội xe đạp thể thao đường trường quốc tế – Coupe de Hue và Huế bán marathon – Hue half marathon 2018... vừa qua, thì ý tưởng để hình thành nên Festival thể thao trên đất Huế cũng không phải không có cơ sở.

Thể thao & Festival HuếHơn 1.500 VĐV tham gia giải bán marathon lần đầu tổ chức tại HuếMở tour phục vụ các vận động viên tham gia giải Half Marathon Huế 2018Phát triển du lịch thể thaoTrải nghiệm Cố đô qua những vòng quayĐua SUP lần đầu tại Việt Nam trên sông HươngCựu Đại sứ Mỹ - Ted Osius: "Bạn có quyền tự hào về thành phố xinh đẹp của mình"

Vừa đạp xe, các VĐV vừa được ngắm cảnh thanh bình của làng quê xứ Huế

Thể thao phong trào nhưng mang tầm quốc tế

Trong những ngày 25, 26/8 và 2/9, Huế trở nên đông đúc hẳn. Nguyên do, bên cạnh lượng người tập trung cổ vũ cho Olympic Việt Nam tại ASIAD 18 và giải đua ghe mừng Quốc khánh, thành phố bên dòng Hương còn đón 2 đợt khách là VĐV cùng gia đình đến tham gia Ngày hội xe đạp thể thao đường trường quốc tế – Coupe de Hue và Huế bán marathon – Hue half marathon 2018, kèm theo 2 hoạt động phụ trợ: giải đua xe đạp Thừa Thiên Huế quốc tế mở rộng và đua SUP trên sông Hương.

Điều đáng nói, cả 3 giải Coupe de Hue, đua SUP và Hue half marathon đều lần đầu tiên diễn ra ở Huế và Việt Nam nhưng thu hút hơn 2.200 người, trong đó, VĐV đến từ các tỉnh, thành trên cả nước và quốc tế, như: Mỹ, Úc, Canada, Cà Mau, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội... hơn 500 người – một con số đáng chú ý khi mà Huế vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán tăng ngày lưu trú của khách du lịch.

Thực tế, Huế không mạnh về đua xe đạp chuyên nghiệp và marathon. Nhưng về mặt phong trào thì khá đông. Tuy nhiên, để tập hợp những người yêu thích 2 môn này tiến tới tổ chức giải đấu tầm quốc tế lại là câu chuyện không đơn giản. Sau Coupe de Hue, một VĐV từ Hà Nội đã chia sẻ: “Đây là một giải đấu tuyệt vời. Hiếm có giải thể thao nào mà lãnh đạo tỉnh tham gia cùng VĐV. Công tác tổ chức rất tròn trịa, từ khâu trọng tài đến cảnh sát giao thông, y tế... Cổ động viên, tình nguyện viên thì thân thiện, chu đáo, nhiệt tình. Điều này càng thôi thúc tôi sẽ có mặt tại Huế ở giải năm sau”. Còn Giám đốc điều hành Laguna – Gavin Herbolt nhận xét: “BTC nên tự hào với những gì đã làm được khi nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Thừa Thiên Huế và những người tham dự lẫn cổ động viên. Laguna rất hân hạnh nếu được tham gia tổ chức sự kiện này trong những lần tiếp theo”.

Đó là về mặt tổ chức. Còn về phía người tham dự, để tập luyện xe đạp phong trào, ít nhất người chơi phải chi 10 triệu đồng để sắm sửa xe đạp, giày vớ, mũ bảo hiểm và hàng chục thứ liên quan. Đến khi tham gia giải tại Huế, VĐV ngoài chi phí tàu, xe, ăn, ngủ còn phải đóng thêm lệ phí tham dự cuộc đua cùng một “đội quân” gia đình đi theo cổ vũ.

Các VĐV tham gia giải Hue half marathon 2018

Marathon là môn thể thao nói bình dân cũng đúng, nói sang trọng cũng chẳng sai. Bởi người tập có thể chẳng cần sắm sửa gì ngoài bộ áo quần trên người, nhưng cũng có khi phải bỏ ra không ít tiền để trang bị nhiều thứ liên quan. Đến khi tham dự giải Hue half marathon 2018, người góp mặt phải đóng lệ phí từ 300 – 800 ngàn đồng/người (tùy theo cự ly). Trong số hơn 1.500 người tham gia, có rất nhiều gia đình đăng ký cả vợ, chồng và con cùng thi.

So với 2 môn thể thao kể trên, đua SUP chưa phát triển bằng, một mặt môn thể thao này mới du nhập vào Việt Nam, phát triển chủ yếu ở Hà Nội chừng 5 năm. Mặt khác, kinh phí người chơi bỏ ra khá nhiều, chỉ tính riêng ván chèo đã lên đến 30 triệu đồng/chiếc. Lần tranh tài ở Huế cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam. Sau cuộc đua này, những người chơi SUP từ Hà Nội, Vũng Tàu, Phan Thiết... có tham vọng nâng giải SUP lên tầm quốc tế và vẫn chọn Huế làm nơi tranh tài. Còn trước đó, một hành động tự nguyện rất đáng trân trọng của những người tham gia đua SUP là cùng nhau vớt rác trên sông Hương.

Vấn đề là tại sao lại chọn Huế làm nơi tổ chức? Tại sao lại lặn lội đến Huế để tham dự những giải thể thao mà thắng thì tốt, thua cũng chẳng sao... Bởi ở 3 giải thể thao nói trên đều không quá đặt nặng ăn – thua. Chủ yếu là trong khi tranh tài, họ có được và nhận được những nụ cười, có động lực để vượt qua giới hạn bản thân cùng những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình của mình trên đất Huế.

Hướng đến Festival thể thao

Bên cạnh Festival Huế và cả Festival nghề truyền thống Huế đã và đang tạo được dấu ấn trong lòng công chúng trong nước và quốc tế, nếu Huế có thêm một Festival thể thao thì sao?

Mọi hoạt động trong Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế nhằm trình diễn, quảng bá, bảo tồn, giao lưu và tạo mối liên kết, đồng thời, giới thiệu những gì tinh túy nhất của địa phương, của Việt Nam đến với bạn bè khắp nơi và ngược lại, để từ đó kích cầu du lịch, phát triển kinh tế.

Festival thể thao có thể khác biệt và đơn giản hơn một chút. Nhưng tựu trung mục đích vừa khiến Huế trở nên năng động hơn qua các hoạt động thể thao được nâng tầm thành ngày hội, vừa giúp các VĐV – vừa là khách, là khán giả và cũng là chủ nhân - có thể trải nghiệm sâu hơn – một cách để quảng bá thêm cho văn hóa, môi trường, du lịch, vùng đất, con người xứ Huế.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc đua của lòng dũng cảm

Tờ mờ sáng, khi trời vẫn lác đác mưa, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung & Phan Thiên Định đã có mặt tại Phu Văn Lâu để xuất phát khởi động cùng hơn 200 VĐV tham dự chặng 2 Coupe de Hue 2019.

Cuộc đua của lòng dũng cảm
Coupe de Hue 2019:
Bảo vệ môi trường là bảo vệ tương lai

Trước giờ khai mạc giải đua xe đạp đường trường quốc tế Coupe de Hue 2019 diễn ra tại Huế, Cadel Evans - tay đua từng 2 lần vô địch thế giới môn xe đạp leo núi (1998, 1999) và 2 lần vô địch Tour de France (2007, 2011) đã có cuộc trao đổi nhanh với Thừa Thiên Huế Online:

Bảo vệ môi trường là bảo vệ tương lai
Return to top