Thể thao trong nước

Người chơi với võ

ClockChủ Nhật, 23/10/2016 13:56
TTH - “Tui là người chơi với võ, chơi khi tóc còn xanh cho đến khi đầu đã bạc, đã chơi là chơi đến tận cùng”. Võ sư Nguyễn Văn Nhân - Trưởng môn phái Cương nhu Karatedo Việt Nam tâm sự như vậy trong một lần gặp gỡ với tác giả.

Năm 1967, cậu bé Nguyễn Văn Nhân quê ở làng Hương Cần (Hương Trà), vinh dự trúng tuyển vào trường Quốc Học Huế. Là một học sinh có thiên hướng văn chương nên Nhân cũng không nghĩ rằng mình sẽ theo nghiệp võ.

Võ sư Nguyễn Văn Nhân (trái) với võ sư Lê Công – nguyên HLV tuyển Karatedo quốc gia trong một lần gặp gỡ

Vào một buổi chiều đầu năm 1969, trong giờ giải lao của lớp, có một học sinh trong lớp đưa cánh tay bỏ trên bàn và thách đố: “Đứa mô chặt gãy tay tau, tau bao một chầu chè mụ Cai”. Một học sinh tên là Trần Văn Vinh đứng lên: “Để tau!”. Cậu học sinh nọ liền rút tay lại và nói: “Mi có võ tau không chơi!”. Một chút thán phục xen lẫn ngạc nhiên lóe lên trong đầu Nguyễn Văn Nhân. “Chiều hôm đó, tui đạp xe theo bạn Vinh đến võ đường ở Trường đại học Sư phạm Huế và cũng từ đó tui gắn bó với nghiệp võ, gắn bó với môn phái Cương nhu Karatedo đến tận bây giờ” võ sư Nhân nhớ lại.

Với thiên phú về võ thuật cùng sự chững chạc, năm 1975, tuy chỉ mới Huyền đai đệ nhị đẳng nhưng võ sư Nguyễn Văn Nhân đã được tin tưởng giao trọng trách là trưởng môn phái tại Huế. Đến năm 1980, khi các võ sư đàn anh trở về, ông xin rút lui và đến năm 2010, ông mới nhận lại trọng trách trưởng môn phái khi đã là võ sư Huyền đai đệ thất đẳng.

Môn phái Cương nhu Karatedo được ra đời trên cơ sở kết hợp các môn phái võ cổ truyền và hiện đại, trong đó chủ lực là Karatedo cổ điển và Karatedo hiện đại Sotokan cũng như lấy âm – dương làm chủ đạo. Trong một đòn đấm - đỡ đều bao hàm nhu lẫn cương, lấy nhu dĩ cương. Hay cụ thể là lấy nhu để thoát hiểm, tránh đòn và dùng cương để tấn công. Tinh hoa của Cương nhu Karatedo Việt Nam chính là sự mềm dẻo, linh hoạt lấy nhu làm nền tảng để phát huy sức mạnh của cương.

Ở Việt Nam, môn phái này đã có mặt ở nhiều tỉnh thành cả nước như Hà Nội, Quảng Trị, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Riêng ở Huế hiện có 15 võ đường với trên dưới 1.000 võ sinh đến từ thành phố và các huyện, thị xã như Phong Điền, A Lưới, Hương Trà… theo học. Không chỉ dừng lại ở phạm vi toàn quốc, Cương nhu Karatedo đã phát triển khá mạnh ở Hoa Kỳ. Năm 2015, võ sư Nguyễn Văn Nhân đã dạy võ cho các võ đường Cương nhu Karatedo ở nhiều tiểu bang của Mỹ trong vòng 2 tháng.

Ở cái tuổi 65, võ sư Nguyễn Văn Nhân đã có mấy chục năm truyền bá võ thuật cho nhiều thế hệ. Điều đặc biệt là cũng chừng đó thời gian, ông không lấy tiền của học trò mà theo cách nói của ông là: “Tui chơi với võ mà!”. Thực ra, các võ sinh theo học ở các võ đường của Cương nhu Karatedo đều đóng học phí, nhưng số tiền đó để trả cho các HLV đứng lớp và làm quỹ tương trợ đồng đạo, riêng võ sư Nhân thì không “dính” đến chuyện tiền…

Theo quan niệm của võ sư Nguyễn Văn Nhân, võ thuật chính là một loại hình nghệ thuật đối kháng mà trước hết là giúp con người có sức khỏe và cả trí tuệ. Đã là môn đồ của Cương nhu Karatedo thì không được nói tục, chửi bậy. Có lần ở võ đường Hương Phong (Hương Trà), tui nghe một võ sinh chửi thề, kết thúc buổi học, tui gọi riêng võ sinh đó và đưa cho em một bì xà phòng và bàn chải giặt rồi nói: “Em về giặt sạch vết bẩn của mình đi!”. Võ sinh đó nghe xong, đờ người trong chốc lát rồi cúi đầu xin lỗi cũng như hứa không dám phát ngôn bậy bạ nữa”.

Với quan điểm dạy võ để giúp võ sinh hướng thiện, nhận biết đạo làm người, võ sư Nguyễn Văn Nhân rất vui khi được nhiều thế hệ võ sinh tin yêu, nể phục và luôn tâm sự những điều thầm kín với thầy. Có nhiều người đã trưởng thành và thành đạt nhưng luôn nhớ về thầy, nhớ về võ đường Hương Cần do võ sư Nguyễn Văn Nhân xây dựng như một gia đình lớn. Đó cũng là động lực lớn để ông tiếp tục “chơi với võ” khi mỗi buổi chiều, ông  vẫn đều đặn xách xe máy làm một vòng các võ đường trong tỉnh để được chứng kiến sự tiến bộ của các học trò trong nghiệp võ lẫn đạo làm người.

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024

Ngày 18/11, huấn luyện viên trưởng Kim Sang Sik đã công bố danh sách 30 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Danh sách sẽ tiếp tục có sự bổ sung sau khi câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định hoàn thành thi đấu tại vòng bảng AFC Champions League Two 2024/25.

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, ngày 13/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức có công văn đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét và chấp thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn tổ chức các trận thi đấu của Đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại Giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á Mitsubishi Electric Cup 2024 (AFF Cup 2024).

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì
Return to top