Thể thao

Vang bóng một thời

ClockThứ Hai, 06/01/2020 09:40
TTH - Những năm 1990 và 2000, bóng đá Huế đã gây được tiếng vang trong làng bóng đá Việt với một thế hệ cầu thủ giỏi. Trong số những cầu thủ đã làm nên những thành tích và để lại ấn tượng cho đội bóng Cố đô những năm đó, không thể không kể đến những cái tên như Nguyễn Văn Phương, Vũ Quang Minh, Ngô Việt Trung hay Hứa Hiền Vinh...

CLB bóng đá Huế mở màn mùa giải mới bằng trận gặp Bà Rịa - Vũng TàuChàng trai vàng của bóng đá Huế

Đội bóng Huế một thời vang bóng

Hai chàng trai xứ Bắc

Năm 1995, sau khi được thăng hạng mạnh quốc gia, Sở Thể thao Thừa Thiên Huế (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) lúc đó đã có một quyết định rất sáng suốt là mời HLV Ninh Văn Bảo về dẫn dắt đội bóng đá Thừa Thiên Huế. HLV Ninh Văn Bảo xuất thân từ đội bóng Dệt Nam Định nổi tiếng và ông cũng đã rất thành công khi dẫn dắt đội bóng Long An trước đó.

“Tướng” Bảo về Huế và theo chân ông là một cầu thủ học trò cưng cũng là người Nam Định Nguyễn Văn Phương. Cái tên Nguyễn Văn Phương hầu như trước đó chẳng mấy ai biết đến. Ngày anh chào sân Tự Do trong một buổi tập, người hâm mộ xứ Huế cũng cảm thấy nghi ngờ về khả năng chơi bóng của anh chàng người mảnh khảnh, có dáng dấp của một nghệ sĩ hơn là một cầu thủ này.

Nhưng khi chính thức bước vào mùa giải, người hâm mộ xứ Huế đã trầm trồ trước tài năng của tiền vệ cánh phải khoác áo số 17 Nguyễn Văn Phương. Trong dáng dấp thư sinh, Nguyễn Văn Phương lại chứa đựng một nguồn năng lượng lớn khi thi đấu. Không chỉ có tư duy chơi bóng và kỹ thuật chơi bóng tốt, tiền vệ người Nam Định còn có những pha bóng tăng tốc đáng ngạc nhiên ở bên cánh phải của Thừa Thiên Huế.

Xem Nguyễn Văn Phương thi đấu rất thú vị, bởi anh luôn có những đường bóng bất ngờ và đặc biệt là khả năng giữ bóng trong chân của anh thuộc vào loại hay nhất làng túc cầu Việt Nam lúc đó. Trong hành trình kỳ diệu đi đến trận chung kết của bóng đá Huế mùa bóng năm 1995, Nguyễn Văn Phương là một mắt xích không thể thiếu. Chỉ tiếc là ở trận bán kết gặp Cảng Sài Gòn, Nguyễn Văn Phương bị nhận thẻ vàng và anh bị treo giò trong trận chung kết gặp Công an TP. Hồ Chí Minh. Mất đi một nhân tố quá quan trọng, HLV Ninh Văn Bảo cùng các học trò bị đội bóng của Lê Huỳnh Đức đánh bại 3-1 đầy tiếc nuối.

Nguyễn Văn Phương chỉ chơi cho Huế một mùa bóng, nhưng anh đã để lại ấn tượng quá đẹp trong lòng người hâm mộ xứ Huế. Có khán giả vì quá hâm mộ anh đã gò một bức tượng bằng nhôm chân dung Nguyễn Văn Phương để tặng cho cầu thủ người Nam Định.

Nếu như Nguyễn Văn Phương là một nghệ sĩ sân cỏ thực thụ thì trung vệ Vũ Quang Minh là một đấu sĩ. Xuất thân từ lò bóng đá Công an Hà Nội, Vũ Quang Minh đã đầu quân cho Thừa Thiên Huế mùa bóng 1995. Sau những trận đầu thi đấu khá chuệch choạc, càng vào sâu, trung vệ số 19 này càng chơi hay. Ngoài khả năng đánh chặn tốt, không ngại tranh chấp, Vũ Quang Minh còn tích cực tham gia tấn công, có khi anh dâng cao như một tiền vệ để có những đường chuyền dài cho các cầu thủ tuyến trên. Cách đây 2 năm, Vũ Quang Minh cùng các cầu thủ lão tướng Hà Nội đã trở lại sân Tự Do trong ngày hội thi đấu giao lưu bóng đá Hà Nội - Huế - Sài Gòn, anh nói: “Tuy chỉ chơi cho bóng đá Huế một năm, nhưng đó những ngày tháng nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời cầu thủ của tôi”.

Những cầu thủ miền Nam

Mùa bóng 1996, trong trận đấu Thừa Thiên Huế gặp Lâm Đồng, đội bóng đến từ Cao nguyên của HLV Đoàn Phùng đã đánh bại đội bóng chủ nhà 4-2. Người gây ấn tượng mạnh nhất trận đấu đó là thủ môn đội khách Ngô Việt Trung. Với tài năng của mình, Ngô Việt Trung đã có những pha phản xạ tuyệt vời khiến người hâm mộ xứ Huế vừa tiếc cho đội nhà, nhưng cũng phải buông lời khen cho thủ môn đội bạn. Năm 2001, khi Huế trở lại hạng chuyên nghiệp, HLV Đoàn Phùng trở về quê hương để dẫn dắt Huda Huế, ông đã thuyết phục Ngô Việt Trung về thi đấu cho Huế.

Nói về chuyên môn, Ngô Việt Trung là một thủ môn giỏi, anh là thủ môn thứ ba của đội tuyển quốc gia. Nếu như điểm mạnh của thủ môn Nguyễn Văn Cường là khả năng chỉ huy hàng phòng ngự, Nguyễn Văn Phụng là bắt bóng dính thì Ngô Việt Trung là thủ môn có phản xạ hay nhất lúc đó.

Nhưng có lẽ khi về Huế, Ngô Việt Trung đã qua sườn dốc của sự nghiệp, phần nữa do sinh hoạt không điều độ nên thủ môn người Lâm Đồng thi đấu cho Huda Huế khá thất thường, trận hay trận dở. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thi đấu của mình, Ngô Việt Trung là chốt chặn không thể thay thế cho Huda Huế 2 mùa bóng 2001 và 2002. Dấu chấm hết của Ngô Việt Trung chính là bàn thua Hà Nội ACB ở trận play-off trên sân Vinh cuối mùa giải năm 2002. Sau đó, anh cũng chính thức giải nghệ.

Cựu cầu thủ Hứa Hiền Vinh

Một cầu thủ nổi tiếng nữa của bóng đá Việt Nam cũng đã khoác áo Huda Huế đó là cựu tiền vệ của Công an TP. Hồ Chí Minh Hứa Hiền Vinh. Hiền Vinh đầu quân cho bóng đá Huế mùa bóng 2003 và 2005. Với khả năng chuyên môn và kinh nghiệm thi đấu, Hứa Hiền Vinh đã trở thành trụ cột của Huda Huế ở những mùa giải đó. Anh có thể chơi trung vệ, có thể chơi tiền vệ. Có thể thấy, cầu thủ người Sài Gòn là một cầu thủ cần cù, luôn chơi bóng với trách nhiệm cao. Những cầu thủ trẻ của Huế lúc đó như Đông Phương, Văn Trương, Cảnh Lâm đã học được rất nhiều từ phong cách thi đấu của Hứa Hiền Vinh...

Cũng như Ngô Việt Trung, Hứa Hiền Vinh đến Huế khi đã lớn tuổi và sau khi chia tay Huda Huế, Hứa Hiền Vinh cũng giã từ sự nghiệp cầu thủ để học nghề HLV. Hiện nay, anh là HLV trưởng của đội bóng hạng Nhất Phố Hiến...

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một khởi đầu không tệ

Sau 5 vòng đầu của giải hạng Nhất 2024 - 2025, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Huế tạm thời xếp ở vị trí thứ 7/11 với 4 điểm sau 1 trận thắng, 1 trận hòa và 3 trận thua. Đây là sự khởi đầu không tệ đối với một đội bóng vừa chia tay một loạt các cầu thủ trụ cột và thành phần thay thế chủ yếu là các cầu thủ trẻ ở độ tuổi 20...

Một khởi đầu không tệ
MÙA GIẢI HẠNG NHẤT QUỐC GIA 2024-2025:
Cuộc chơi giữa các “đại gia”

Sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn, trong đó không ít người đã và đang là tuyển thủ quốc gia, như Hoàng Đức, Công Phượng, Văn Lâm… khiến giải hạng Nhất mùa này hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Cuộc chơi giữa các “đại gia”
Chờ thời cơ để... đổi vận

Giải hạng Nhất quốc gia 2024 - 2025 chính thức có 11 CLB tranh tài, bao gồm CLB Huế, Khánh Hòa, PVF CAND, Bình Phước, Phù Đổng Ninh Bình, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hòa Bình, Đồng Tháp, Đồng Nai và Thanh niên TP. Hồ Chí Minh. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người hâm mộ vẫn có thể đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ Cố đô.

Chờ thời cơ để  đổi vận
Lặng lẽ Trần Thành

Trước mùa giải mới 2024 - 2025, tiền đạo Trần Thành của CLB Huế đã nói lời chia tay với sân Tự Do để đầu quân cho đội bóng giải hạng Nhất là Đồng Tháp. Nếu như một tiền đạo khác của CLB Huế là Hồ Thanh Minh ra đi đã được sự chú ý của dư luận và truyền thông, thì sự ra đi của Trần Thành diễn ra trong lặng lẽ.

Lặng lẽ Trần Thành
Ngã ngũ chuyện của “voi rừng”

Ngày 1/8, CLB Bóng đá Huế hội quân chuẩn bị cho mùa giải hạng Nhất 2024 - 2025 mà không có tiền đạo chủ lực Hồ Thanh Minh. Lý do là trước đó, chân sút người Tà Ôi đã trở thành tân binh của CLB Bóng đá Hà Nội - đương kim “đệ tam anh hào” V-League theo dạng chuyển nhượng tự do. Đồng nghĩa, Hồ Thanh Minh không còn là người của CLB Bóng đá Huế.

Ngã ngũ chuyện của “voi rừng”
Return to top