Thể thao

Việt Nam - Nhật Bản: Giải bài toán khó

ClockChủ Nhật, 14/01/2024 14:47
Tuyển Việt Nam sẽ đá trận ra quân ở bảng D Asian Cup 2023 với tuyển Nhật Bản. Đây thực sự là thử thách khó khăn với thầy trò HLV Troussier.
Tuyển Việt Nam sẽ gặp đối thủ rất mạnh ở ngay trận mở màn. Ảnh: VFF 

Phát huy tinh thần Việt Nam

Bảng D là bảng đấu hiếm hoi có sự góp mặt của hai nhà vô địch Asian Cup là Nhật Bản và Iraq. Cụ thể, tuyển Nhật Bản đã lên ngôi vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011, còn Iraq đăng quang năm 2007. Điều đó cũng cho thấy sự khó khăn cho các đội bóng còn lại muốn cạnh tranh tấm vé đi tiếp.

Đây là màn tái ngộ Nhật Bản và Iraq khá thú vị của tuyển Việt Nam. Ở Asian Cup 2007, các “chiến binh sao vàng” đã gặp Nhật Bản ở vòng bảng và Iraq ở tứ kết. Đến Asian Cup 2019, là đối đầu Iraq ở vòng bảng và Nhật Bản ở tứ kết. Còn tại giải lần này, Việt Nam gặp cả hai đối thủ ở vòng bảng.

Nhật Bản hiện có phong độ cực cao với dàn sao thi đấu ở các đội bóng tên tuổi của bóng đá châu Âu. Với lực lượng và sức mạnh vượt trội, thầy trò HLV Moriyasu được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch ở mùa giải năm nay. Họ có sự chuẩn bị rất tốt khi có kết quả giao hữu gần đây cũng vô cùng ấn tượng.

Nhưng nhìn vào những kết quả đối đầu ở các trận đấu chính thức gần nhất, tuyển Việt Nam không quá lép vế đối thủ này về mặt tỷ số. Tại tứ kết Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam thua cách biệt tối thiểu Nhật Bản 0 - 1. Trận đấu đó, dù để thua sau pha làm bàn của Ritsu Doan trên chấm phạt đền, song đội tuyển Việt Nam đã chơi một trong những trận ấn tượng nhất lịch sử. Khi ấy, Quang Hải cùng đồng đội đã đá sòng phẳng, nhiều thời điểm ép sân Nhật Bản và có quyền tiếc nuối với nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Đây cũng là trận đấu để đời của Việt Nam, các cầu thủ luôn có sự háo hức, tự tin và làm được những điều bất ngờ.

Trong lịch sử, tuyển Việt Nam đã 5 lần chạm mặt "Samurai xanh" và nhận 4 thất bại và 1 trận hòa.

Còn tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam cầm hòa Nhật Bản 1 - 1 ngay trên sân nhà của đối thủ. Khi ấy, dù tuyển Việt Nam đã hết cơ hội đi tiếp, nhưng các cầu thủ vẫn thi đấu với tinh thần "không bỏ cuộc".

Chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ

Nhật Bản và Iraq được nhận định sẽ có ưu thế giành 2 suất đầu của bảng đấu. Tuy nhiên, cánh cửa vẫn còn mở dành cho đội xếp thứ 3 ở 6 bảng đấu. Trong cuộc đua đến đó, tuyển Việt Nam sẽ cần thắng tuyển Indonesia ở lượt trận thứ 2 và trận đấu đó được ví như trận “chung kết” của bảng D khi điểm số sẽ ảnh hưởng - thậm chí quyết định, đến tấm vé vào vòng 1/8.

Thực lực của các cầu thủ Việt Nam hiện tại rõ ràng là ở khoảng cách rất xa so với tuyển Nhật Bản, một trận thua là điều khó tránh phải. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các cầu thủ “buông xuôi” ở trận đấu này để tập trung cho màn đối đầu Indonesia. Bởi không chỉ hạn chế số bàn thua, tuyển Việt Nam còn phải cố gắng ghi bàn để tạo ra sự thúc đẩy về tinh thần với cá nhân cầu thủ cũng như tập thể đội bóng.

Về thứ hạng FIFA của các đội ở bảng D, Nhật Bản (hạng 17 thế giới), Iraq (63), Việt Nam (94) và Indonesia (146).

HLV Troussier đã gút danh sách 26 tuyển thủ đội tuyển Việt Nam tham dự vòng chung kết Asian Cup 2024. Trong đó, chiến lược gia người Pháp sử dụng 5 tiền đạo, gồm: Nguyễn Văn Toàn, Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Đình Bắc và Nguyễn Văn Trường.

Tại vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á và giao hữu năm 2024, hàng công tuyển Việt Nam chỉ có 7 pha lập công trong 9 trận đấu dưới thời HLV Troussier. Trong đó, Phạm Tuấn Hải nổi bật với cú đúp bàn thắng và Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Đình Bắc, Trương Tiến Anh mỗi người ghi 1 bàn.

Vắng Tiến Linh vì chấn thương, đây là cơ hội cho ba chân sút trẻ Văn Tùng, Văn Trường và Bùi Vĩ Hào. Nhưng trước một đối thủ mạnh hơn về nhiều mặt là Nhật Bản, HLV Troussier nhiều khả năng sẽ ưu tiên những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm như Văn Toàn và Tuấn Hải trong sơ đồ 3-4-3 quen thuộc. Tuy nhiên, bộ đôi này thường bộc lộ khuyết điểm về tranh chấp. Đây sẽ là bài toán nan giải đối với ban huấn luyện ở trận ra quân.

Trận đấu sẽ là màn gặp lại giữa "cố nhân" Troussier với đội bóng cũ. 24 năm trước, HLV Philippe Troussier đã dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản đánh bại đội tuyển Saudi Arabia khi đó đang thống trị châu Á ở Beirut đăng quang Asian Cup 2000. Sau khi đem về chức vô địch châu lục lần thứ 2 trong lịch sử, 2 năm sau "Phù thủy trắng" đã giúp đội tuyển Nhật Bản đạt cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào vòng loại trực tiếp ở một kỳ World Cup.

Trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Nhật Bản sẽ diễn ra lúc 18 giờ 30 ngày 14/1 trên sân vận động Al Thumama (Doha, Qatar). Trận đấu được trực tiếp trên kênh FPT, VTV5, VTV Cần Thơ và VTV5 Tây Nam Bộ.

Dự kiến đội hình xuất phát của 2 đội

Việt Nam: Nguyễn Filip, Văn Thanh, Việt Anh, Tuấn Tài, Thanh Bình, Minh Trọng, Tuấn Anh, Thái Sơn, Đình Bắc, Văn Toàn, Tuấn Hải
Nhật Bản: Daiya Maekawa, Hiroki Ito, Yukinari Sugawara, Koki Machida, Tsuyoshi Watanabe, Wataru Endo, Reo Hatate, Takumi Minamino, Ritsu Doan, Daizen Maeda, Junya Ito

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vừa công bố danh tánh các tổ trọng tài tham gia điều hành lượt trận đầu tiên ở các bảng đấu Asian Cup 2023. Theo đó, trọng tài người Hàn Quốc Kim Jong-hyeok sẽ là trọng tài chính của trận Việt Nam - Nhật Bản. Các trợ lý cho ông Kim là những người đồng hương Yoon Jae-yeol và Park Sang-jun. Trọng tài thứ 4 là ông Mooud Bonyadifard, người Iran. Tổ trọng tài VAR gồm ông Kim Hee-gon và Ko Hyung-jin (Hàn Quốc).

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được thông qua

NDO - Chiều 10/5, tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.

Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được thông qua
Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó, trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương đối xử khoan hồng, nhân đạo đối với tù, hàng binh.

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam
Hải quân Nhân dân Việt Nam: 69 năm hành trình giữ biển

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”; trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Hải quân Nhân dân Việt Nam 69 năm hành trình giữ biển
Return to top