Nhưng độc đáo hơn thế nữa là loài cau kiểng đỏ, với kiểu mọc cụm nhiều thân to 5-10cm, cao 5-7m, mang những lá dài đến 1,5m, mỗi lá có khoảng trên dưới 50 lá phụ dài 50cm, rộng 3cm, phân bố đều trên một cuống đỏ, kéo dài thành một bẹ cũng đỏ ôm lấy một phần thân cây tạo thành một báp tròn trông tựa ống son môi phân nhánh cùng khoe sắc đỏ tươi rực rỡ. Ở những nơi khí hậu mát mẻ, cường độ chiếu sáng lớn, ngoài việc bẹ lá rực sáng lên, vỏ thân còn xuất hiện màu tím và xanh tím, tạo thành những sọc chạy dọc xen lẫn với màu xanh của vỏ thân, khiến cây càng đẹp hơn. Chính kiểu trổ màu này đã khiến cau kiểng đỏ chiếm vị trí độc tôn trong số hàng trăm loài cau kiểng.
Cau kiểng đỏ có nguồn gốc ở miền Nam Thái Lan, Malaysia, Borneo và Sumatra. Chúng tồn tại ven các khu rừng tiếp giáp vùng đầm lầy hoặc ven biển thủy triều, trở thành loài bán ngập, nhưng không thể chịu ngập lâu dài. Do vậy số cá thể ngày càng ít đi, rơi vào tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng, được ghi vào danh sách Đỏ IUCN và được bảo vệ nghiêm ngặt ở Indonesia, cho mãi đến năm 2000 mới được loại ra khỏi danh sách Đỏ IUCN. Với hình thái đặc sắc, nó được trồng phổ biến dần ở nhiều vùng nhiệt đới châu Á với nhiều tên gọi tiếng Anh khác nhau như Sealing Wax Palm, Red Sealing Wax, Lipstick Palm, Maharajah Palm...
Những người chơi cây cảnh xem đây là loài cây kiểng quý hiếm, dùng để trồng trang trí cho cả ngoại thất lẫn nội thất. Người ta chỉ cần trồng một, hai bụi ở một góc nào đó của sân vườn, cũng đủ tạo một điểm nhấn mạnh cho cảnh quan cây xanh vốn điệp màu.
Ngoài việc trồng đất, có thể trồng cây trong chậu. Cây sinh trưởng chậm, ưa sáng lúc trưởng thành, cần che bóng nhẹ khi còn non. Cây cần tưới nước đủ ẩm nhưng không chịu úng lâu dài, nên khi trồng đất cần chọn chỗ thoát nước tốt, nếu trồng chậu thì cần kiểm soát mức độ đẫm nước để cây sinh trưởng bình thường. Có thể để chậu trong nhà, nhưng phải chọn những nơi có ánh sáng mạnh, tránh để những góc thiếu sáng, cây sẽ sinh trưởng kém, màu đỏ bẹ và cuống không rực và có thể rụi dần lá. Trồng ở công viên, sân vườn không nên đặt dưới tán cây lớn, tránh tình trạng cây thiếu sáng, cây mọc nghiêng lệch, sinh trưởng kém, màu sắc không tươi thắm. Cũng như nhiều loài khác trong họ cau, cau kiểng đỏ được nhân giống bằng hạt, tốt nhất là hạt tươi. Gieo hạt tươi sẽ mất thời gian 2-4 tháng để nẩy mầm, gieo hạt khô có thể mất cả 1 năm. Do đã có màu sắc độc đáo, lại nảy mầm và sinh trưởng cũng chậm khiến cho cây càng quý hiếm.
Cây được nhập trồng ở nhiều thành phố Việt Nam không rõ tự bao giờ, nhưng mức độ phổ biến có lẽ không cao như những loài cau kiểng khác. Trong số nhiều tỉnh thành miền Trung, có lẽ Hội An là nơi có nhiều sân vườn tư thất, khách sạn, khu du lịch sinh thái... có trồng cau kiểng đỏ.
Ở Huế, Cau kiểng đỏ cũng đã xuất hiện vài nơi, mặc dù chưa được phổ biến. Hy vọng trong thời gian tới, nó sẽ được nhân rộng để góp phần tô điểm không gian cho phong cảnh Huế thêm đẹp và thơ mộng hơn. Tôi tin rằng, khi tiếp cận, nhiều người sẽ thích thú với ngoại hình của một loài cây cảnh đặc trưng như thế và sẽ có lắm người đưa trồng trong khuôn viên tư thất của mình.
Đỗ Xuân Cẩm