Có tác giả cho rằng loài cau này có nguồn gốc từ Madagascar, GS Phạm Hoàng Hộ (1993) thì nói, nó có nguồn gốc ở đảo Mauritius, phía Đông của Madagascar. Nó có rất nhiều tên gọi bằng tiếng Anh như Yellow palm, Golden Cane Palm, Areca Palm, Golden Fruited Palm, Yellow Butterfly Palm, Golden Feather Palm...
Người Trung Quốc dựa vào hình thái của cụm cây mà gọi là tán vĩ quỳ người Việt dựa vào màu vỏ thân, màu bẹ lá và công dụng gọi là cau kiểng vàng, hoặc dựa vào cách mọc thân và màu vỏ thân mà gọi là cau bụi vàng.
Đây là loài cây thân cột thuộc họ Cau – Arecaceae, tên khoa học là Chrysalidocarpus lutescens (Dypsis lutescens). Cây đâm chồi mạnh từ gốc nên phát triển thành bụi, khi trồng ở đất tơi xốp, nhiều màu mỡ, đủ ẩm và thoát nước tốt, bụi có thể lên tới vài chục cây cao 4m-6m, đường kính thân tới 8cm-15cm, khi trưởng thành có dạng như cây gậy, khắc chạm nhiều vành khuyên rõ nét (vết sẹo bẹ lá). Lá có bẹ màu vàng, ôm lấy thân, với cuống dài màu vàng, phiến dài trên dưới 1m, rộng 50cm-60cm. Buồng hoa to 30cm-40 cm, xanh lúc non, vàng dần lúc quả sắp định hình. Quả hình xoan, to khoảng 1cm, màu vàng. Với hình thái tổng hợp từ cách mọc thân, dạng thân, lá cho đến dạng buồng hoa và sắc thái quả trông rất đẹp mắt, khiến cây được nhiều người ưa chuộng và chọn làm cây trồng tôn tạo cảnh quan.
Cây thích hợp cho việc trồng ngoài đất để tạo cảnh cho nhiều không gian sân vườn, công viên, điểm xanh... đồng thời cũng thích hợp cho việc trồng trong nhà, nơi có ánh sáng nhẹ. Khi trồng trong khuôn viên nhà, cây có khả năng hút khí độc phát tán từ các lớp sơn mới từ công trình nội thất, giúp cho việc thanh lọc không khí, vừa làm đẹp không gian, vừa đảm bảo sức khỏe cho con người. Khi trồng cây trong chậu, nên quan tâm chăm sóc, tưới nước thường xuyên, thỉnh thoảng bón phân (có thể dùng NPK) để cây sinh trưởng khỏe. Do cây mọc thành bụi dày đặc, hệ rễ chùm phát triển mạnh nên một thời gian ngắn, phải thay chậu.
Ở Việt Nam, cây được trồng phổ biến khắp các tỉnh thành. Ở nhiều khu đô thị, người ta thường trồng cau kiểng vàng ở các công viên, sân vườn công sở, khuôn viên đền chùa... Thông thường, cây được trồng dọc biên thành nhiều bụi nối tiếp nhau hoặc trồng điểm xuyết từng bụi lẻ ở những góc quanh dọc theo lối đi lại trong công viên, hoặc tạo điểm nhấn trung tâm một bồn hoa lớn. Ở một vài công viên lớn, cây được chọn trồng làm dải phân cách giữa 2 lối đi. Ở các vườn biệt thự, cây trồng thành cặp đăng đối ở mặt tiền hoặc trồng ở những góc lõm của công trình...
Ở Huế, cau kiểng vàng hiện diện khá phổ biến. Chúng hiện diện từ công viên, sân vườn công sở, các vườn chùa, các khu di tích cho đến nhiều tư thất. Cây cũng được nhiều nhà sản xuất cây cảnh ở Phú Hiệp, Vĩ Dạ, An Vân... trồng chậu để chưng bày và bán cho người dùng trong dịp hội hoa Xuân hàng năm.
Đỗ Xuân Cẩm