Khi được trồng ở điều kiện tốt, một cây cau trắng ở tuổi thành thục mà sung sức, cùng thời điểm có thể cho ra nhiều buồng hoa liên tục. Mỗi buồng gồm nhiều nhánh, mỗi nhánh mang rất nhiều hoa, khi toàn bộ hoa nở, nhị phun tua tủa, cả bao hoa và nhị đều phát một màu trắng xóa. Do thế, nhiều khi cùng lúc thân cau trắng mang cả một tập hợp hoa lẫn quả non màu trắng bao quanh một đoạn trục thân trông tựa một pháo hoa treo lơ lững rất ấn tượng. Những lúc này, cây cau trắng nổi bật trên nền màu xanh của thảm thực vật đồng hành hoặc không gian kiến trúc màu sẫm phông nền rất dễ nhận dạng.
Vẻ thẩm mỹ của cau trắng không chỉ ở màu trắng của bông hoa và quả non. Khi quả lớn dần, vỏ quả chuyển sang màu xanh sáng, rồi xanh sẫm để cuối cùng chuyển sang màu đỏ chói rất hấp dẫn. Cũng có nhiều trường hợp, cùng lúc trên cây vừa có buồng hoa đang nở trắng xóa, vừa có buồng quả non nõn nà màu trắng, hay trắng xen quả xanh, vừa có buồng quả màu xanh mướt, hay buồng quả xanh xen quả đỏ và buồng toàn quả màu đỏ chói. Lúc này, trông nó như một búc-kê hoa đủ sắc màu rất đẹp. Có lẽ, do tính chất đặc trưng đó mà nó đã được gán cho cái tên tiếng Anh là Christmat palm. Chính đặc điểm này khiến cho cau trắng vốn có nguồn gốc ở một vài vùng hạn hẹp trên đất nước Philippines đã nhanh chóng lan tỏa khắp các vùng nhiệt đới trên toàn cầu. Trước khi được giới thiệu khắp nơi làm cây cảnh quan, nó được trồng khắp các không gian mở của thủ đô Manila nên đã có tên Manila palm.
Cau trắng có tên khoa học là Veitchia merrillii (tên đồng nghĩa là Adonidia merrillii, Normanbya merrillii). Ở vùng nguyên sản, cây được tìm thấy ở các khu sinh thái ven biển và ở những cánh rừng hở. Cây trưởng thành thường cao 5-7 m, trong điều kiện sống tối ưu, có thể lên tới 10 m. Khi mọc tự nhiên, cây mọc đơn độc, nhưng để tôn tạo cảnh quan, có thể trồng cụm 2-3 cây. Nó là một loài cây thân cột thường xanh, với thân hình trụ tròn có những đốt thân rất ngắn, các vết sẹo lá gần như xếp san sát vào nhau. Toàn bộ lá kép lông chim tập trung ở đỉnh thân thành một tán rộng khoảng 2-3 m, mỗi lá dài khoảng 1,5 m, mang nhiều lá phụ hẹp, thon, màu xanh sáng. Với hình thái lá vòng cung, mềm mại và sự phối màu hoa quả đặc trưng, cau trắng đã trở thành một loài hấp dẫn, rất được ưa chuộng nên đã nhanh chóng có mặt khắp nơi, nhất là những vùng nhiệt đới châu Á.
Việt Nam là một nước nhiệt đới, có điều kiện khí hậu tương đồng với vùng nguyên sản của cau trắng, nên từ khi nhập trồng, chẳng bao lâu cau trắng đã lan tỏa khắp nhiều nơi, đặc biệt là ở nhiều khu đô thị. Chúng thường được trồng ở các biệt thự, các không gian mở của các khu văn hóa, các chung cư, các điểm văn hóa, khách sạn... Ngày nay, chúng còn được trồng phổ biến ở các công viên, có nơi còn đưa trồng ở dải phân cách hoặc cả vỉa hè các đường lộ. Ngoài trồng đất có thể trồng cau trắng trong chậu. Khi trồng chậu có thể dùng để trang trí cả ngoại thất lẫn nội thất. Tất nhiên, khi đưa vào nội thất phải chọn những góc có đủ sáng để cây sinh trưởng, phát triển bình thường, vì nó là cây ưa sáng toàn phần, chịu che bóng nhẹ.
Khi trồng cau trắng cần lưu ý, ngoài điều kiện sáng, nó là cây thích đất giàu mùn, ẩm, nhưng phải thoát nước tốt. Tuy nhiên, cây vẫn có khả năng chịu hạn, đất nghèo dinh dưỡng, sinh trưởng phát triển được trên nền đất cát, đất nhiễm mặn nhẹ. Muốn có giống trồng phải nhân bằng hạt, và phải mất thời gian 2-3 tháng để hạt nảy mầm.
Ở Huế, có thể tìm thấy cau trắng ở sân vườn tư thất, cơ quan, trường học, khách sạn... Gần đây, các công trình công cọng, như công viên, dải phân cách nhiều đường lộ cũng đã được Trung tâm Công viên Cây xanh thiết kế trồng hàng loạt cau trắng.
Đỗ Xuân Cẩm