Cây Bún ở vỉa hè đường Phan Bội Châu
Do tính chất háo ẩm, thường mọc tự nhiên ở những vùng đất ẩm ven sông, rạch, ruộng... nên cũng thường được gọi là Bún nước. Cây thường ra hoa vào khoảng tháng 4 - 6, tùy điều kiện tiểu khí hậu nơi sống mà thời gian ra hoa có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Trong điều kiện đất đủ ẩm, tầng đất dày, độ màu mỡ cao, hoa ra khi cây còn đầy lá, tạo thành từng mảng trắng trên nền xanh của tán lá trông đẹp mắt. Ngược lại, ở vùng đất khô cằn, bí chặt, nghèo dinh dưỡng, cây ra hoa rộ khi cành đã trút gần hết lá, khiến cho toàn cây mang một vòm trắng xóa hoặc một vòm trắng sữa điểm phớt màu vàng cam.
Hoa Bún chớm nở
Ở khuôn viên trụ sở UBND xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có một cây, hàng năm cứ ra hoa rộ lúc trên cành đã trút gần hết lá, hoa lại tỏa mùi hương, người dân địa phương nhìn cây rồi liên tưởng đến mai vàng nở rộ ngày xuân và đã gọi nó là cây "Mai hạ". Theo tôi, khi chọn làm cây cảnh quan các nhà quản lý cây xanh đô thị nên chú ý tính chất sinh thái này để có thể chủ động tạo ra những cây bún đẹp như cây Mai hạ ở Điện Thắng.
Khi hoa Bún nở trông giống con nhện
Từ lâu, nhiều nơi ở miền Nam Trung Quốc và Vùng Đông Nam Á, người ta đã chọn nó làm cây cảnh quan. Ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cây thường được trồng ở các đền chùa, thánh thất... nên nó cũng được gọi tên là Temple Plant. Bún là một loài thuộc chi Crateva, họ Cáp, còn gọi là họ Bạch hoa hay họ Màn màn - Capparaceae. Cũng chính vì phát hiện nó thường gắn liền với các đền đài, chùa, miếu, thánh thất... như vừa nói nên khi đặt tên khoa học cho nó, Forster - nhà thực vật học người Đức đã dùng tính từ Latin "religiosa" (thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng) làm tính ngữ cho tên loài. Từ đó tên loài của nó là Crateva religiosa. Bún có nguồn gốc ở Nhật Bản, Australia, phân bố rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc (có nhiều ở Quảng Đông, Hải Nam, gọi là cây Ngư mộc), Đài Loan; ở nhiều nước Đông Nam Á như Bhutan, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam; và một ít ở các đảo Nam Thái Bình Dương.
Cây Bún ở Điện Thắng
Bún là một loài cây ưa sáng, mọc nhanh, thích ẩm và chịu được ngập nước từng thời kỳ trong năm (cây bán ngập), cho gỗ nhẹ, xốp, dùng xẻ ván, làm đồ gia dụng. Có thể chọn đưa vào danh mục cây trồng rừng kinh tế ngắn hạn cho những vùng đất thấp, nhất là vùng lòng hồ thủy điện. Quả bún ăn được, ở Trung Quốc dùng quả khô để chữa bệnh. Ở Ấn Độ, quả được dùng làm thuốc lợi tiểu, làm dịu và chống viêm nhiễm...; vỏ dùng trong điều trị rối loạn chức năng hệ tiết niệu, nhiễm trùng đường tiểu, đau và nóng rát trong chứng tiểu rắt, sỏi thận và bàng quang... Một số tài liệu cây thuốc ở Việt Nam có công bố vài loài Bún tương cận, có tên khoa học là Crateva nurvala và Crateva unilocularis với những tác dụng tương tự loài trên.
Cây Bún ở Tháp Chàm - Ninh Thuận
Ở Thừa Thiên Huế, cây Bún được gặp khá phổ biến, nhiều nhất là các vùng trũng hạ lưu sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Gần đây, một cây đã xuất hiện trên vỉa hè đường Phan Bội Châu, trước nhà số 280, do chủ nhà là anh Đoàn Văn Loan, mang cây từ xã Phong Hòa, huyện Phong Điền về trồng đã được trên 15 năm nay. Hiện nay, cây đã cao hơn cả chục mét, tỏa bóng rợp và ra hoa nhiều.
Như vậy, Bún là một loài cây gỗ bản địa có khả năng tạo bóng tốt và cho hoa đẹp, thích ẩm nhưng chịu được cả ngập nước và khô hạn và đặc biệt chịu được gió bão. Cây tái sinh tự nhiên bằng hạt, đồng thời còn có khả năng tái sinh chồi từ rễ, có thể dùng làm vật liệu nhân giống phục vụ công tác lục hóa đô thị. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan quản lý và phát triển cây xanh nên thu thập hạt giống, sản xuất cây con, chọn nơi trồng thích hợp để bổ sung làm giàu nguồn gen cho hệ thống cây xanh đô thị.
Đỗ Xuân Cẩm