Dầu lai còn có tên lai hoặc lai rừng, là một loài cây gỗ lớn thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) với tên khoa học là Aleurites moluccana, tên tiếng Anh phổ biến là candlenut và một số tên khác nữa là candleberry, indian walnut, varnish tree, kemiri, kukui nut tree… Cây có chiều cao đạt 20-30 m, đường kính thân 30-50 cm, thân tròn, thẳng, vỏ nhẵn, màu trắng xám xanh; cành non có cạnh, mọc gần vòng, có lông màu hung vàng. Lá mọc tập trung đầu cành, phiến đa dạng, hình trứng, hình mác rộng, hình tim hoặc đôi khi gần tròn và trên các cành tái sinh dưới tán, lá thường có phiến phân thành 3-5 thùy. Cuống lá dài gần bằng phiến (phiến 10-20cm x 5-17cm; cuống 6-12cm), đỉnh có 2 tuyến tròn dẹt, màu hồng. Hoa nhỏ, trắng, tập trung thành xim ở đầu cành. Quả hạch màu xanh, hình trứng hoặc hình cầu, to khoảng 5-6 cm, có phủ lông hung, gồm 2 ô, mỗi ô chứa 1 hạt.
Một vài tác giả cho rằng cây có nguồn gốc ở Malaysia, nhưng nhiều tài liệu cũng cho rằng nguồn gốc của dầu lai là nhiều nước Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Indonesia, Philippines, nhiều đảo Nam Thái Bình Dương bao gồm cả Hawaii. Hiện nay, dầu lai phân bố rộng khắp các vùng nhiệt đới trên toàn cầu, đặc biệt là các khu vực nhiệt đới châu Á như Việt Nam, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines… Ngoài khả năng phát tán tự nhiên, dầu lai được con người gây trồng khắp các vùng sinh thái để gây bóng đồng thời sử dụng nhiều bộ phận của cây vào nhiều hoạt động sống khác nhau tùy tập quán.
Người dân ở Hawaii dùng hạt nướng cháy để làm mực xăm hình trên người, dùng vỏ trong của cây làm mực in, dùng gỗ cây làm thuyền, dùng dầu ép từ hạt làm sơn; các ngư dân ở đây còn nhai hạt rồi nhổ nước bọt lên mặt nước để phá vỡ sức căng bề mặt và loại bỏ sự phản xạ giúp họ nhìn rõ hơn bên dưới.
Hạt dầu lai chứa nhiều dầu béo, được người dân nhiều nước Đông Nam Á sử dụng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh và bảo vệ da, tóc. Đã từ lâu, ở nhiều vùng đảo Nam Thái Bình Dương và một số nước Đông Nam Á trong đó có nước ta, hạt dầu lai được dùng làm dầu xổ, làm thuốc nhuận trường, làm dầu thắp để lấy ánh sáng. Một vài nơi ở nước ta, ở Indonesia, Malaysia… dùng hạt dầu lai để chế biến thức ăn, xem như một loại dầu béo. Ở Java, người dân bản xứ dùng hạt dầu lai để làm nước chấm ăn rau hoặc chan vào cơm. Hiện nay, ở Tonga hạt già được gọi là tuitui, được dùng làm bột chế dầu gội và sữa tắm.
Do trong dầu của hạt có chứa độc tố nên ăn sống hạt sẽ ngộ độc, gây tiêu chảy, nôn mửa. Khi gia nhiệt (nấu, rang, nướng) thì độc tố sẽ giảm đi, có thể sử dụng an toàn hơn, nhưng dùng quá nhiều vẫn có thể ngộ độc.
Một vài bộ phận của cây cũng từng được dùng trong y học truyền thống ở một số nước ở Đông Nam Á. Ở Nhật bản, vỏ cây được dùng trị u bướu. Ở Sumatra, bột hạt đốt với than dùng đắp quanh rốn trị táo bón. Ở Malaysia, hạt hoặc lá luộc dùng đắp ngoài trị đau răng, sốt, viêm tấy, sưng khớp... Ở Java, vỏ cây được dùng trị tiêu chảy, chữa lỵ. Ở Hawaii, hoa và nhựa vỏ được dùng trị tưa miệng ở trẻ con.
Ở Việt Nam, dầu lai có mặt từ các tỉnh cực Bắc đến nhiều tỉnh thành miền Trung từ dạng mọc hoang đến trồng. Người Việt chúng ta trồng dầu lai chủ yếu lấy bóng mát, chưa có thói quen sử dụng nhiều bộ phận của cây cho sinh hoạt và trị bệnh như các nước Đông Nam Á.
Ở Huế, hiện nay hiện hữu khá nhiều cây dầu lai cổ thụ ở nhiều địa điểm thuộc quần thể di tích (Đại Nội, Đàn Nam Giao, Lăng Đồng Khánh…) hoặc ở khuôn viên một vài công sở, đền chùa, miếu mạo. Gần đây dầu lai cũng được đưa trồng ở công viên (Phú Xuân B)…
Đỗ Xuân Cẩm