ClockThứ Hai, 26/07/2010 17:52

Cây Hoàng lan, một loài cây xanh tỏa ngát hương thơm

TTH - Hoàng lan còn được gọi là Ngọc lan tây, Công chúa,  Sứ công chúa, Ylang - ylang, Ylang công chúa, nhiều người Huế gọi là Bại hoại. Tên tiếng Anh là Ylang-Ylang tree.

Ylang - Ylang là tên bắt nguồn từ thứ tiếng dân tộc Talagog của người Philippnes. Mặt khác nó cũng được xem là dẫn xuất của từ “ilang” có nghĩa là nơi hoang vu, muốn nói cây được phát hiện hơi hoang dã. Cây có nguồn gốc từ Philippnes, Indonesia và Malaysia nhưng cũng phân bố tự nhiên rộng khắp ở các đảo Thái Bình Dương, ở vùng Bắc Australia, Polynesia, Melanesia, Micronesia, Thái Lan và Việt Nam.

Hoàng lan là một loài cây gỗ thuộc họ Mãng cầu – Annonaceae, với tên khoa học là Cananga odorata. Cũng có người gọi cây Ngọc lan vàng – Michelia champaca là Hoàng lan. Cách gọi này lắm lúc  đã gây khó khăn cho việc thông tin, dẫn giống, phát triển. Theo tôi, nếu không muốn gọi Ngọc lan vàng thì cũng nên gọi là Hoàng ngọc lan để phân biệt với Hoàng lan.
 
Hoàng lan là một loài cây xanh cao 10-15 m, tán hình trụ, cành thường mọc ngang, dễ gãy. Lá đơn mọc cách, xếp thành 2 hàng trên cành nhỏ, dễ rụng. Phiến lá mềm, mỏng, hình trái xoan hay trứng hơi lệch, mép hơi gợn sóng, đỉnh thuôn, 2 mặt nhẵn, dài 15-20 cm, rộng 5-8 cm. Hoa rất thơm, mọc thành từng cụm trên những cành ngắn, với 6 cánh dài hình dải thuôn, lượn sóng, xếp thành 2 vòng, đỉnh và đáy thuôn hẹp, lúc non màu xanh lục, sau chuyển dần sang màu vàng xanh. Cây cho hoa nhiều tháng trong năm.
 

Lá Hoàng lan
 
Nền y học của nhiều nước trên thế giới dùng hoa Hoàng lan trong liệu pháp hương-trị- liệu (xông hơi, xoa bóp…), làm êm dịu cơn đau, giảm bớt căng thẳng, điều chỉnh huyết áp. Cũng có nơi tin rằng hương Hoàng lan còn có tác dụng kích thích tình dục.
 
Hoa Hoàng lan cũng là một loại nguyên liệu làm nước hoa, các loại mỹ phẩm, nước thơm gội đầu, tắm rửa. Ở nhiều nước Nam Châu Á, người dân thường trồng cây Hoàng lan trong vườn nhà, lấy hoa để trang trí phòng khách, tặng nhau trong những dịp lễ hội, ngày vui. Ở Indonesia , hoa Hoàng lan được dùng rải trên giường ngủ đêm tân hôn của các cặp vợ chồng mới cưới. Ở Philippnines, người ta lại dùng hoa Hoàng lan trang trí cho lễ cưới và xâu chuỗi cùng hoa Lài để choàng cho cô dâu trong ngày lên xe hoa.
 
Tinh dầu Hoàng lan rất hữu dụng trên thế giới, nhiều quốc gia đã trồng, trích li và xuất khẩu với lượng lớn, chẳng hạn như ở Comoros, tinh dầu Hoàng lan đã chiếm đến 29% thị phần xuất khẩu hàng năm của quốc gia họ.
 
Ở Việt Nam, cây Hoàng lan cũng được trồng khắp nơi, từ Bắc vào Nam, nhưng chỉ được trồng rải rác, chưa thấy mô hình trồng tập trung để sản xuất tinh dầu. Thông thường, Hoàng lan được trồng ở các đình, chùa, am miếu, các điểm di tích lịch sử, di tích văn hóa, công viên, công sở, hoặc vài nơi còn trồng trên vỉa hè đô thị nhưng chỉ lác đác một đôi cây.
 

Cây Hoàng lan
 
Ở nhiều tỉnh thành khác thì tôi không am hiểu lắm, nhưng ở Huế thì hầu như rất ít gia đình trồng cây Hoàng lan trong vườn nhà, ngoại trừ một số nhà có mảnh vườn rộng hoặc trong nhà không có trẻ con. Có lẽ người Huế ngại trồng trong vườn nhà vì hoa Hoàng lan quá thơm, sợ hấp dẫn “hồn ma bóng quế”. Một số người dân ở Huế thường mang hoa
 
Hoàng lan ra chợ bán dưới dạng từng gói nhỏ gói bằng lá chuối như bán hoa Ngọc lan. Nhiều người mua về để thờ cúng trong những ngày lễ, tết, rằm, mồng một. Ở một vài địa phương của nước ta, hoa Hoàng lan cũng là một loại nữ trang thiên nhiên cho nhiều cô thôn nữ trong những dịp lễ hội.
 
Thật ra, cây Hoàng lan không xa lạ lắm với cộng đồng người Việt. Cũng có thể nhiều người chưa từng tiếp cận với cây bao giờ, nhưng cái tên Hoàng lan thì lại khá quen thuộc. Bởi lẽ, trong thơ ca tiếng Việt đã có không ít tác phẩm ca tụng nó. Chẳng hạn như, Thạch Lam đã mô tả hình thái "Cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống… " hay ca tụng mùi hương "… Đêm khuya, khi trăng lên, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương, mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió…" qua tác phẩm Dưới bóng hoàng lan; Nhạc sĩ Trần Long Ẩn qua bài hát Đêm thành phố đầy sao có câu "Vườn nhà em bát ngát hương hoàng lan tỏa bay…"; Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm với ca khúc Đêm Hoàng lan cũng đã viết "… Ai sẽ nhắc trong những tàn phai ấy/ Đêm Hoàng lan thơm đến ngọt vai mềm/ Ai sẽ về trong một lần trở lại/ Hoàng lan xưa còn nức nở hồn anh…"; Thi sĩ Cao Nguyên với bài thơ Người đi tìm Hoàng lan, có đoạn "Người đi tìm Hoàng lan/ trên một vùng đất vỡ/ đang trong thời phục hoang/ mà lòng mình cứ ngỡ/ vẫn còn đó Hoàng lan…".
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top