ClockThứ Tư, 26/05/2010 11:22

Cây Sưa trên đất Cố đô Huế

TTH - Vào khoảng năm 2002-2003, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã nhập từ phía Bắc một lượng lớn cây Sưa về trồng ở một số đường phố như Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu… Đây là một nguồn gen mới cho hệ thống cây xanh đô thị Huế. Trước đó, cây được trồng nhiều trên một số vỉa hè, công viên… của thành phố Hà Nội và một số thành phố lân cận. Đây là một loài cây gỗ bản địa quý thuộc họ Đậu – Fabaceae, phân bố từ các tỉnh phía Bắc vào đến Tây Nguyên, cùng chi Dalbergia với các loài cây gỗ quý đặc hữu của Tây nguyên và Nam bộ như Trắc, Cẩm lai…
Loài Sưa này có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis, nên còn được gọi là Sưa Bắc bộ. Trước đây hằng chục năm trường, nó chỉ được biết đến như một loài cây lục hóa đô thị. Ở Phong Nha Kẽ Bàng, cây được gọi là Huê mộc. Nhưng một thời gian rất dài, ngành Lâm nghiệp cũng chẳng biết rằng Sưa Bắc bộ chính là Huê mộc. Ngay trong Quyết định 2198/1977/QĐ-CN, có liệt kê cây Huê mộc nhưng lại để tên khoa học là Dalbergia rimosa.
 

Cây sưa ở đường Lê Quý Đôn và cành mang hoa

 
Sưa Bắc bộ mang lá kép lông chim lẻ, với những lá chét hình xoan, chỉ nhỏ bằng 2 ngón tay, hoa nhỏ, màu trắng, quả dẹp mang 1-2 hạt. Thân cây chắc khỏe, cành nhánh dẻo, khiến cây chịu được gió bão, do vậy rất thích để chọn làm cây cảnh quan. Tuy nhiên, do cây thích đất có độ màu mỡ cao, không chua, không úng nước nhưng phải đủ ẩm, nên khi bố trí trồng ở các vỉa hè đô thị cây sinh trưởng chậm, kích thước nhỏ.
Tôi không nhớ chính xác được thời điểm cụ thể, nhưng có lẽ những cây ở đường Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu được trồng không sau mấy so với hai cây trồng ở khuôn viên kho bạc ở đường Lê Hồng Phong, thế mà hai cây ở kho bạc to lớn hơn hẳn, sinh trưởng và phát dục khỏe hơn nhiều.
 
Vào khoảng giữa thập niên đầu của thế kỷ 21, phong trào mua bán, vận chuyển, khai thác trái phép gỗ Sưa rộ lên gây chấn động cả nước. Lúc đó, các nguồn thông tấn báo chí đã đưa tin dày đặc với nhiều tên gọi khác nhau: Sưa, Huê mộc vàng, Trắc thối, Huỳnh đàn... Đó chính là Sưa Bắc bộ.
 
Từ đó nhu cầu trồng Sưa và phong trào ươm giống cũng rộ theo. Lúc này, những cây Sưa ở thành phố Huế đã vào tuổi phát dục. Quả của chúng được nhiều người quan tâm, để mắt tới. Họ đã tranh nhau vặt, đôi khi vặt cả quả xanh, non, không đợi được cho quả chín. Những lúc này, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là Huế đã có một kho tàng tài sản quý (giá thời điểm mỗi kg gỗ Sưa hàng chục triệu đồng). Lo là trước mắt người phá nhiều hơn người bảo quản và liệu một lúc nào đó, nạn chặt trộm cây sẽ xảy ra như ở thành phố Hà Nội.
 

Cây sưa đang trổ hoa
 
Thế rồi, những nỗi mừng-lo của tôi chưa kéo dài được bao lâu thì phong trào thu mua gỗ Sưa lắng xuống và đến nay, gần như chìm hẳn. Những cây Sưa ở Huế bắt đầu thở phào nhẹ nhõm, mặc sức treo những chùm quả khô đét tuần này qua tháng nọ, chẳng ai đoái hoài. Đến bây giờ, quần thể Sưa ở Huế đã có thể ung dung vươn thở để đáp ứng vai trò tôn tạo cảnh quan cho Cố đô thân yêu rồi.
 
Đã có nhiều độc giả hỏi tôi rằng, tại sao trên cùng một vỉa hè đường Lê Quý Đôn mà cây Sưa lại có nhiều dạng hình như thế? Tôi thường giải thích, do cây thích ứng quá mạnh với môi trường sống, điều kiện dinh dưỡng và độ ẩm đất không đồng đều đã khiến điều đó xảy ra. Tất nhiên, cũng không loại trừ việc hỗn giống. Ngoài ra, ở đó cũng có lẫn mấy cây Thàn mát. Điều này cũng dễ hiểu, vì lúc ở tuổi cây con, hai loài này có dạng lá hao hao dễ nhầm lẫn.

Bài và ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top