ClockThứ Năm, 19/05/2011 09:00

Cây tếch, nguồn gen ngoại lai lạc lõng giữa lòng Cố đô

TTH - Ngay giữa bãi cỏ xanh rộng thênh thang phía phải Điện Thái Hòa - không biết tự bao giờ hai cây tếch đã bám đất, sinh trưởng phát triển. Giá như cơn lốc 1985 không tràn qua nơi đây để một trong hai cây phải bị xén tán, thì giờ này chúng còn cân xứng và đẹp hơn nhiều. Điều chắc chắn có thể khẳng định là chúng phải trên 50 tuổi đời, vì so với những cây ở khuôn viên Trường đại học Nông Lâm Huế thì chúng lớn gấp đôi, cả chiều cao và kích thước thân (những cây ở Trường ĐH Nông Lâm Huế cách đây 40 năm - khi tôi tiếp cận lần đầu - đã ở tuổi định hình).

Tếch là loài cây gỗ rụng lá có nguồn gốc ở Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, dần dần được trồng hầu khắp các vùng nhiệt đới của trái đất, từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sang đến châu Phi, châu Mỹ.


Ở Việt Nam, địa điểm trồng tếch đầu tiên có lẽ là một trong hai huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú, thuộc tỉnh Đồng Nai. Do được xem là một loài cây đa tác dụng, ngoài khả năng sản xuất gỗ nguyên liệu và chất đốt, tếch còn có khả năng tôn tạo cảnh quan, cung cấp tanin, thuốc nhuộm và cả dược liệu nữa, đến nay, tếch nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành Nam bộ, cả trồng rừng lẫn trồng tôn tạo cảnh quan . Ở Tây Nguyên, vào năm 1954, Trạm Nghiên cứu Lâm nghiệp Eakmat (tỉnh Daklak) đã bắt đầu trồng thử nghiệm trên phạm vi đất do mình quản lý. Ở nhiều tỉnh thành miền Trung, chúng tôi chưa một lần gặp tếch, ngoại trừ ở Huế. Và ở Huế cho đến thời điểm này, tếch ở tuổi cổ thụ cũng chỉ hiện hữu rất khiêm tốn, ở Đại Nội (2 cây) và khuôn viên Trường ĐH Nông Lâm (5 cây).
Hồi ngày đầu tiên đặt chân vào Việt Nam, tếch được người trồng gọi tên theo âm tiếng Pháp “teck”. Sau đó, dần dần nó có thêm tên giá tỵ và báng súng (gỗ được dùng làm báng súng). Tên gọi tiếng Pháp “teck” có âm hưởng khá tương đồng với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, chẳng hạn như tiếng Tamil “tek”, tiếng Anh và Nepal “teak”, tiếng Sinhala “teaku”, tiếng Đức “tiek”, tiếng Tây Ban Nha “teca”…
Đây là một loài cây gỗ lớn, với tên khoa học là Tectona grandis, thuộc họ cỏ roi ngựa – Verbenaceae. Khi sống ở môi trường tối ưu, chiều cao cây có thể vượt quá 30 m, đường kính thân 60-80 cm. Gốc thân thường có múi và bạnh lớn, giúp cây đứng vững ở những địa hình dốc. Vỏ thân màu vàng xám, nứt dọc thành vảy nhỏ hẹp và dài khi trưởng thành. Cành non vuông cạnh, phủ lông màu rỉ sắt. Lá đa dạng: hình xoan, hình trứng ngược hoặc gần tròn; dài 20-60 cm, rộng 20-40 cm; đỉnh nhọn, đáy men theo cuống; mặt trên phiến lá nhẵn, mặt dưới phủ lông màu vàng nhạt; cuống dài 2-5cm, có phủ lông. Hoa tự hình xim viên chùy, mang nhiều hoa nhỏ, màu trắng. Quả hình cầu, đường kính khoảng 2 cm. Cây ưa sáng toàn phần, mọc ở nơi thông thoáng không bị che chắn sẽ sinh trưởng khỏe, phát triển cân đối.
Nhân giống bằng hạt hoặc bằng phương pháp stump từ nguồn tái sinh tự nhiên, thích hợp cho việc trồng tạo bóng ở các công viên lớn hoặc trồng làm đai che chắn các nhà máy để lọc bụi, cản tiếng động, giảm tác động bất lợi cho môi trường chung quanh. Hệ rễ của tếch thường ăn nổi và có thể lan rộng đến 15 m, vì thế không thích hợp cho việc trồng trên vỉa hè đường phố. Cây có lá quá lớn, khi rụng thường gây trở ngại cho công tác vệ sinh hoặc gây ắc tách cống rãnh thoát nước.
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top