ClockThứ Năm, 25/04/2013 11:08

Cây xanh - phần tất yếu của môi trường đô thị

TTH - Một trong những mục đích cơ bản của việc trồng cây xanh là bảo vệ môi trường.

Thành phố Huế là địa bàn có kiểu khí hậu đặc thù, chịu ảnh hưởng gió mùa, có hai mùa mưa nắng khá cực đoan. Mùa mưa ở Huế thường kéo dài từ tháng 9 dương lịch năm trước đến hết tháng 1 năm sau. Mùa nắng bắt đầu sớm từ tháng 2 đến hết tháng 8. Mưa Huế thuộc kiểu mưa dầm, vũ lượng lớn, có khi tạo thành những đợt kéo dài cả tháng, đợt này nối tiếp đợt kia gần như ít có thời gian ngơi nghỉ. Do vậy, vào mùa mưa, Huế luôn ẩm ướt, rét mướt khó chịu. Chính cây xanh là một thành tố dự phần rõ nét vào việc chắn gió, điều hòa nhiệt độ, giúp môi trường đô thị ấm hơn. Mùa nắng ở Huế thường có lượng bức xạ lớn, số giờ nắng trong ngày dài, nhiệt độ cao, nhất là vào thời điểm có những đợt gió Lào thổi về. Vào những thời điểm này, cây xanh là những máy điều hòa nhiệt độ tự nhiên giúp môi trường Huế giảm đi cái nóng thiêu đốt, giúp cư dân và khách vãng lai cảm thấy dễ chịu hơn, giúp những người buôn gánh bán bưng có nơi để đặt gánh hay mẹt hàng, tìm kiếm thu nhập...

Công viên mát rượi cây xanh thích hợp với việc nghiên cứu, học tập

Hệ thống cây xanh được hình thành và phát triển hữu dụng cho môi trường đặc thù xứ Huế, nhưng ngược lại, chính môi trường đặc thù này lại tác động rất bất lợi cho sự tồn tại và phát triển cây xanh. Mưa dầm khiến gốc rễ cây xanh úng thủy, gây tổn thương bộ rễ, làm cây xanh chậm phát triển, đồng thời là nhân tố gây lỏng gốc, sẽ cộng hưởng với gió bão quật ngã hàng loạt cây xanh, tạo nên hiện tượng thiếu đồng bộ; hoặc làm nghiêng ngả, xiêu vẹo khiến các hàng cây xanh không thẳng lối, giảm chất lượng sống, dần dần làm mất vẻ mỹ thuật của cảnh quan vỉa hè, công viên... Chúng ta có thể bắt gặp hiện tượng này ở nhiều trục đường, ngay ở cả đường phố trung tâm như Lê Lợi. Chỉ cần đi từ cầu Phú Xuân lên đến Nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bởi thế, khi chọn cây trồng cần nghĩ hai chiều: (1) tính thích hợp sinh thái và (2) tính tương tác môi trường.

Tính sinh thái ở đây vừa là sinh thái tự nhiên (thời tiết, khí hậu, đất đai) vừa là sinh thái nhân tạo (kiến trúc đô thị, công trình hạ tầng, mật độ dân cư, phương tiện giao thông..., thậm chí cả ý thức ứng xử của người dân đô thị với cây xanh).

Tính tương tác môi trường bao gồm cả hai chiều: tương tác bổ trợ và tương tác đối kháng. Tương tác bổ trợ chính là sự cải thiện môi trường như đã nêu ở trên. Tương tác đối kháng là gây ô nhiễm môi trường, gây ra những bất tiện cho sinh hoạt cộng đồng.

Để một cây trồng đô thị được bền vững, khi chọn trồng không thể không quan tâm đầy đủ các thuộc tính vừa nêu.

Để cây xanh Huế phát huy được chức năng bảo vệ môi trường một cách bền vững, cần có một bộ tiêu chí rạch ròi để tham chiếu khi chọn loài đưa trồng trên các vỉa hè đường phố, công viên, không thể tùy tiện. Để tránh cách làm theo giải pháp tình thế, không còn cách nào hơn là phải xây dựng một bộ hồ sơ quy hoạch đầy đủ, mang tầm chiến lược, mà cái cốt lõi của nó vẫn dựa trên nền tảng khoa học về bản chất của từng cây xanh.

NGƯT Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top