ClockThứ Bảy, 21/02/2015 19:36

Cây xanh- trước tiên và xuyên suốt

TTH - Ở Huế, giới thức giả hầu như không ai là không biết đến cái tên Nguyễn Hữu Đính (1907-1995). Ông không chỉ là một kỹ sư (KS) thuỷ nông tài danh, một nhà lâm học nổi tiếng, mà còn có kiến thức uyên thâm về sử địa. Trên hết, ông là người có một tình yêu Huế mãnh liệt, luôn tự hào, luôn thao thức về Huế quê hương. Quy hoạch đô thị dưới góc nhìn của ông, cây xanh phải là ưu tiên số 1.

Việc chăm chút cây xanh đôi bờ đã góp phần làm cho dòng sông An Cựu ngày càng duyên dáng

 

“Chúng ta phải làm gì ngay để TP Huế giữ vững danh truyền “Thành phố đẹp và thơ” và là một Trung tâm du lịch thế giới hấp dẫn trong tương lai?” - Câu hỏi ấy đã được cố KS Nguyễn Hữu Đính đặt ra- như một lời kêu gọi, như một sự “đánh động”- ngay sau ngày đất nước thống nhất. Và với tri thức của mình, với những gì hằng ấp ủ, suy tư, ông đã đưa ra một “bản phác hoạ” gồm 2 phần chính để các cơ quan chuyên trách nghiên cứu vạch ra một quy hoạch tổng quát rồi theo đó mà thực hiện dần.

 

Nhiều giống cây có hoa đẹp như ô môi (trên), ngô đồng (dưới), hay hoàng yến, osaka... được dẫn, nhân giống trồng trên các tuyến phố, công viên, di tích đã làm cho Huế ngày càng thêm quyến rũ

 

 

Bên cạnh “Vài nét đại cương về Huế và vùng phụ cận” để mọi người hiểu (phải hiểu mới biết quý và biết yêu Huế), trong bản phác hoạ của mình, cố KS Nguyễn Hữu Đính đã đề cập đến “một số công tác cần thực hiện ngay và có thể thực hiện ngay” mà không đòi hỏi nhiều phương tiện. Những công tác ấy “đại để” gồm:

 

-Trồng cây trên các đường trong thành phố và trên các quốc lộ trong tỉnh.

 

-Phục hồi hoặc chỉnh trang các công viên, rừng cảnh, rừng du ngoạn sẵn có, hoặc định vị trí, giới hạn và phác hoạ địa đồ cho các công viên, rừng cảnh, rừng du ngoạn… xét cần lập thêm cho thành phố.

 

-Định vị trí và giới hạn cho các khu thắng cảnh thiên nhiên, khu bảo tồn di tích lịch sử trong tỉnh để bảo tồn các cơ sở đó, tránh mọi sự phá phách hoặc xây dựng bất hợp pháp gây khó khăn về sau…

 

Ngát xanh vườn chùa Từ Hiếu

 

Chỉ mấy “phác hoạ đại để” nhưng đã cho chúng ta thấy tấm lòng và tầm nhìn của tác giả, rất thiết thực, nhân văn và cũng rất hiện đại.

 

Cố KS Nguyễn Hữu Đính đề xuất trồng cây xanh ở các con đường trong thành phố và ngoại ô; trồng cây xanh ở các quốc lộ trong tỉnh mà chủ yếu là Quốc lộ I từ đèo Hải Vân đến Huế và từ Huế đến giáp giới Quảng Trị, bởi theo ông, Quốc lộ I ở đoạn này có ý nghĩa du lịch vì đi qua những thắng cảnh độc đáo. Mục đích trồng cây vừa vì thẩm mỹ, vừa lấy bóng che, nhưng cũng phải lưu ý đến phương diện kinh tế và bảo vệ đường…

 

Cây xanh đã biến đường Phan Đình Phùng trở thành một trong những con đường đẹp của Huế

 

Đối với “công tác hoàn chỉnh những công viên và rừng cảnh hiện có, hoặc thiết lập những công viên, rừng cảnh mới dọc theo hai bờ sông Hương”…, cố KS Nguyễn Hữu Đính đề xuất: “từ chùa Linh Mụ đến cầu Bạch Hổ, theo bờ sông Hương, việc xây cất nhà ở nên được quy định và hạn chế. Khi thành phố mở rộng, vùng này có thể trở thành vườn trẻ, công viên hay rừng cảnh…; Việc lập vườn trẻ, công viên nên dự liệu càng sớm càng tốt, vì cây đòi hỏi có nhiều thì giờ để lớn;…Cũng cần đề cập đến các vườn hoa hay rừng cảnh trong khuôn viên các công thự lớn, các cơ sở nhà nước có tính cách lịch sử, văn hoá du lịch như khách sạn, nhà hát thành phố, Đại Nội v.v… Trong tương lai, các chuyên viên “cây xanh” cũng nên tham khảo, góp ý kiến giúp các chùa chỉnh trang cảnh trí để trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn…”.

 

Đọc lại “phác hoạ” của cố KS Nguyễn Hữu Đính, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, cây xanh luôn là thành tố số một và xuyên suốt trong quy hoạch đô thị theo góc nhìn của ông. Cần lưu ý là góc nhìn đó đã có cách đây 40 năm, khi mà đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài suốt 3 thập kỷ, quê hương còn đang bề bộn trăm thứ khó khăn, ngàn việc phải làm; cho thấy tâm huyết và tầm viễn kiến của một bậc trí thức xứ Huế. Phác hoạ của cố KS Nguyễn Hữu Đính đến nay có cái đã thành hiện thực (như công viên dọc sông Hương từ chùa Thiên Mụ về cầu Bạch Hổ; nhiều ngọn đồi cảnh, nhiều tuyến phố đã rợp mát cây xanh…); có cái phải tiếp tục thực hiện, thậm chí tiếp tục rút kinh nghiệm…

 

Điều rất vui và rất đáng trân trọng là nhiều năm qua, người con trai trưởng của cố KS Nguyễn Hữu Đính, cũng là một nhà giáo, nhà nghiên cứu được nhiều người biết tiếng- ông Nguyễn Hữu Châu Phan - đã cần mẫn sưu tập và lần lượt xuất bản các bài viết, các ý kiến của phụ thân mình trong tập san Nghiên cứu Huế - một ấn phẩm mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhận xét là “rất Huế, rất nghiêm túc và có khát vọng; rất đáng đọc và đáng được lưu giữ”. Lần giở Nghiên cứu Huế, hẳn sẽ còn bắt gặp nhiều ý kiến thú vị, hữu ích và nhiều cảm xúc của tiền nhân.

Bài, ảnh: Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top