ClockThứ Năm, 14/03/2013 06:16

Cây xanh với cảnh quan di tích Huế

TTH - Huế là một Cố đô, một thành phố đang sở hữu một quần thể di tích đã được công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Chính hệ thống cây xanh đã góp phần tôn tạo cho cảnh quan di tích thêm phần hoành tráng nhưng mềm mại và gần gũi với thiên nhiên. Ngày trước khi triều Nguyễn tạo dựng các cơ ngơi, từ cung đình đến các lăng tẩm, đã không quên thiết kế mảng cây xanh để tôn tạo cho các công trình kiến trúc, biến các công trình đồ sộ của mình thành một tiểu cảnh để con người hòa nhịp với thiên nhiên, sông suối và cỏ cây.

Ngày ấy, tiền nhân đã biết cách chọn lọc chủng loại cây xanh, bố trí trồng theo luật phong thủy, một cây đứng ở đâu đó đều hàm chứa một ý nghĩa nhân văn và thể hiện sự sáng tạo. Nghiên cứu hệ thống cây xanh của các quần thể di tích qua tài liệu cổ được lưu trữ và qua hiện trạng mấy chục năm nay cho chúng ta thấy rõ tính cách tìm tòi, sáng tạo trong tôn tạo và bảo tồn cây xanh của các chủ nhân tạo dựng trước đây và những người quản lý bảo tồn di tích sau này. Nhiều nguồn gen lạ từng được chủ nhân của các công trình di tích ngày trước sưu tập, di thực từ ba miền của đất nước và cả từ Trung Quốc (cây ngô đồng, liễu rũ, tử vi...) về để tích lũy dần thành một hệ thống “kỳ hoa dị thảo” vang bóng một thời.

Cây Ngô Đồng ở Tả Vu

Ngày nay bên cạnh bảo tồn, trùng tu và phục dựng các công trình di tích, hệ thống cây xanh di tích cũng được các nhà quản lý di tích xem là thành phần cơ bản cần được bảo vệ, bảo tồn và phát triển.

Việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng dự án lập vườn sưu tập và bảo tồn cây di tích là hướng đi đúng đắn, xem đây là nơi bảo tồn để phát huy giá trị lịch sử các chủng loại cây xanh đã gắn liền với quần thể di tích bao đời nay, bao gồm cả những loài cây đã mất dạng, chỉ còn danh tánh qua thơ văn, sử tích do triều Nguyễn để lại; hơn thế nữa, đây còn là nguồn dự trữ vật liệu cho việc nâng cao chất lượng hệ thống cây xanh các khu di tích, không bị động và lệ thuộc mỗi khi cần nguồn cây như trước đây.

Hệ thống cây xanh chưa tương xứng với cảnh quan di tích

Tuy nhiên, có một vườn sưu tập như thế chưa đủ, theo tôi còn nhiều việc cần làm cho hệ thống cây xanh di tích để vừa phát huy được vai trò tôn tạo cảnh quan di tích đồng thời bảo tồn được giá trị khoa học và giá trị văn hóa mà cây xanh đã từng dự phần làm nên di sản. Những việc đó có thể kể:

1. Dành một diện tích tối thiểu của vườn sưu tập và bào tồn cây di tích để làm vườn ươm chuyên dụng, gồm vươn ươm cấp 1 để xuất cây đủ tiêu chuẩn trồng mới và vườn cấp 2 để dự trữ nguồn vật liệu, nuôi dưỡng cây nhiều cỡ tuổi nhằm có thể chọn trồng thay thế những cá thể cây xanh trong quần thể di tích bị đổ ngã khi gặp thiên tai hoặc do già cỗi, nhằm tạo được trạng thái quần thể cây xanh tương đồng kích cỡ, không bị tình trạng đầu voi đuôi chuột thường thấy ở một số vỉa hè đô thị hay vài góc di tích như hiện nay. Ngoài ra, đây cũng là nơi tham quan cho du khách, để chúng ta giới thiệu được truyền thống lịch sử xây dựng và bảo tồn di sản văn hóa Huế.

2. Tiến hành tái thống kê và gắn bảng tên cây cho tất cả cây xanh ở các điểm di tích. Làm được việc này sẽ tăng cường công tác quản lý hệ thống cây xanh di tích một cách khoa học, đồng thời làm tăng hiệu quả thu hút du khách và tăng niềm tin yêu, ngưỡng mộ của du khách không chỉ với quần thể di tích mà cả với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

3. Dựa vào kết quả thống kê, lập kế hoạch trồng bổ sung cây cho những nơi cây bị thiếu hụt hoặc trồng thay thế những cây mất sức sống, bệnh tật, èo uột, cong vênh hoặc có nguy cơ đổ ngã bất kỳ lúc nào.

NGƯT Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top