Cọ đỏ là một loài cây gỗ thường xanh, thân cột, mang lá tập trung trên đỉnh thân tạo thành một vòm tán hình cầu, cây thường cao 5-10m, có thể đạt 25m khi sống trong điều kiện tối ưu. Lá cọ đỏ có dạng hình quạt như lá cọ tàu, cũng xẻ thùy sâu, nhưng các thùy không xụ xuống mà vươn thẳng; lá thường lớn hơn lá cọ tàu, có thể rộng tới 2m; cuống lá dài hơn 2m, có nhiều gai sẫm màu ở gốc. Phát hoa dài đến 1,5m, phân thành 3-4 nhánh. Quả tròn, to 1,5-2cm, khi non có màu xanh lục hoặc xanh lam điểm nhiều đốm trắng.
Về tên gọi, ngoài cọ đỏ còn có nhiều tên khác nữa như cọ, cọ nam, kè, kè đỏ, kè nam, lá gồi…, tên tiếng Trung là Đại diệp Bồ quì, tên tiếng Anh là Taraw palm. Sách Đại Nam nhất thống chí gọi loài này là bồng với chú thích là Bồ quì, đồng thời cũng có nêu một cây tương tự là Kè với chú thích là Quì lư.
Xét về nguồn gốc, vào giữa thế kỉ 19 người ta cho rằng nó là loài được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1836, nhà khoa học người Hà Lan Karl Ludwig von Blume đã công bố tên khoa học cho loài cọ đỏ là Saribus cochinchinensis. Đến năm 1837, nhà khoa học người Đức Karl Friedrich Philipp von Martius công bố lại dưới tên khoa học là Livistona cochinchinensis. Như vậy, cả 2 nhà khoa học này đều đồng nhất quan điểm là cọ đỏ được tìm thấy đầu tiên ở Nam Việt Nam (cochinchinensis). Ngày nay, nhiều nhà thực vật học trên thế giới tin rằng, cọ đỏ có nguồn gốc ở Nam Á và phân bố rộng rãi ở các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines. Tới năm 1919, nhà khoa học người Hoa Kỳ Elmer Drew Merril cùng nhà khoa học người Pháp Auguste Jean Baptiste Chevalier đã công bố lại tên khoa học cho loài cọ đỏ là Livistona saribus.
Ở nước ta, cọ đỏ phân bố rộng khắp từ Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải phòng, Thái Nguyên, Hà Tây, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, cho đến Lâm Đồng, Thủ Đức. Chúng thường mọc tự nhiên trong các khu rừng mưa nhiệt đới ẩm, ven suối, hay mọc rải rác trên vùng đồi thấp vùng trung du. Chúng cũng thường được trồng làm cây cảnh quan, làm đai xanh che bóng cho cây công nghiệp…
Cây ưa bóng nhẹ lúc non trẻ, lúc trưởng thành ưa sáng, nhưng chịu được che bóng nhẹ; thích đất màu mỡ, ẩm ướt, thoát nước tốt, không chịu úng; khi trưởng thành có khả năng chịu rét và chịu hạn tốt. Cây có khả năng mọc nhanh trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, nhưng sinh trưởng chậm trong điều kiện khô, lạnh.
Ngoài tác dụng làm đai xanh, làm cảnh, nhiều bộ phận của cọ đỏ còn được dùng vào các hoạt động sống thường ngày của người dân bản xứ nhiều nơi. Quả cọ đỏ có thể nấu chín để ăn hoặc ép lấy dầu. Gốc chồi lá có thể dùng làm rau ăn. Lá non được dùng chầm nón, kết áo đi mưa (tơi); Lá già có thể dùng để lợp nhà, đan túi xách, đan mũ, dệt chiếu, làm quạt vừa để quạt mát vừa che được nắng. Thân già được dùng làm cột, làm máng nước. Rễ dùng chữa bạch đới, khí hư.
Cây dễ nhân giống bằng hạt. Trước khi gieo cần xử lí hạt bằng cách bóc vỏ lụa, ngâm trong nước lã 48 giờ liền (sau 24 giờ thay nước để rửa chua).
Hiện nay, cọ đỏ được trồng làm cây cảnh quan khá phổ biến khắp các tỉnh thành Việt Nam. Ở nhiều thành phố, cọ đỏ thường được trồng ở các công viên thành hàng, thành cụm hoặc trồng đơn lẻ chấm phá từng cây để tạo các điểm nhấn cảnh quan. Chúng ta cũng có thể bắt gặp cọ đỏ trên một số vỉa hè đường phố, một số dải phân cách ở một số khu đô thị hoặc tìm thấy trong các khuôn viên công sở, các khu văn hóa…
Trong hệ thống cây xanh đô thị Huế, có lẽ cọ đỏ là loài được di thực sau cọ tàu nên đa số còn non trẻ. Trong những năm gần đây, Trung tâm Công viên cây xanh đã thiết kế trồng khá nhiều cọ đỏ trên các công viên và một số dải phân cách ở trung tâm thành phố và các khu đô thị mới.
Đỗ Xuân Cẩm