ClockThứ Hai, 19/07/2010 17:58

Cừa - một loài cây xanh dễ nhầm lẫn với Sanh

TTH - Trong số nhiều loài cây bóng mát cùng chi Ficus, có lẽ Cừa là loài có hình thái gần gũi với Sanh nhất. Do Cừa cũng có khả năng tỏa bóng tốt, cành nhánh dẽo, ít gãy đổ, lá nhỏ và ít rụng, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của môi trường sống... nên nó cũng thường được chọn trồng ở nhiều nơi trong thành phố, thị xã và cả làng mạc nông thôn làm cây bóng.

Cừa là loài cây có dáng đẹp và tỏa bóng rộng

Có hai loài Cừa: Cừa lá mũi và Cừa lá tù. Cừa lá mũi còn được gọi là Cừa quả nhỏ, gặp phổ biến hơn Cừa lá tù. Cả hai đều là cây gỗ thường xanh, có thể cao đến 20 - 25m.

Cừa lá mũi có lá bầu và bóng láng, sáng màu và dày hơn lá Sanh, đỉnh lá hơi nhọn, đặc biệt có hệ rễ phụ nhiều gấp bội và cũng thô hơn hẳn rễ phụ ở Sanh.
 
Do khả năng phát rễ phụ mạnh, nhiều rễ phụ khi cắm vào đất phát triển như một thân giả, giúp cây chống chịu tốt hơn với điều kiện bất thuận, lại còn chịu được úng và ngập nước nên nó thường được trồng ven bờ sông, bờ kênh rạch, cửa sông để chống sạt lở. Nó có tên khoa học là Ficus microcarpa, tên tiếng Anh là Chinese Banyan, Malayan Banyan, Indian Laurel or Curtain fig. Đây là loài phân bố rộng từ châu Á nhiệt đới (Ấn Độ, Sri Lanka  Đông Dương, Malaysia, Indonesia ) đến Australia.
 
Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên ven các bờ nước, kênh rạch, vùng triều, từ Bức vào Nam. Rễ khí sinh được dùng chữa cảm sốt, viêm amygdal, đau nhức khớp xương, đòn ngã tổn thương. Lá dùng chữa cúm, sốt, viêm phế quản, ho gà, sốt rét, viêm ruột cấp, lị, tiêu viêm, lợi tiểu, ra mồ hôi.
 
Cừa lá tù có lá hình trứng ngược, xanh sáng hơn cừa lá mũi, đỉnh lá không nhọn mà tù hoặc hơi lõm, phiến lá lớn hơn và bóng hơn cừa lá mũi. Nó có tên khoa học là Ficus curtipes (tên đồng danh là F. obtusifolia), tên tiếng Anh là Golden fig. Đây là loài cây gỗ phân bố rộng từ Vân Nam (Trung Quốc) xuống Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Malaysia và Indonesia. Ở Việt Nam, cây xuất hiện hầu hết ở các tỉnh thành từ Bắc chí Nam, thường gặp ở các bờ nước, kênh rạch, vùng triều.
 
Do cây có dáng đẹp, tỏa bóng khá rộng, sinh trưởng khỏe, tuổi thọ cao, chịu gió bão, chịu bán ngập kể cả ngập nước lợ hay mặn, nên ngoài việc trồng làm cây bóng mát, tôn tạo cảnh quan, nhiều nơi còn trồng hai loài cây này giữ đất, chống sạt lở bờ sông, lòng hồ...
 

Trong các cơn bão, Cừa cũng là kiện tướng chống chịu tuyệt vời
 
Ở Huế, Cừa được trồng rải rác khắp nơi, như ở các công viên (Nguyễn Văn Trổi), vỉa hè đường phố (Đoàn Thị Điểm, Huỳnh Thúc Kháng...) cho đến các đền đài, miếu cổ, chùa chiền, khuôn viên cơ quan, trường học.
 
Qua các cơn bão dữ, Cừa và Sanh là những kiện tướng chống chịu tuyệt vời. Trong những trận lụt lớn hàng năm, cũng chính những cây Cừa ở cạnh bờ sông Đông Ba đã từng là nơi neo thuyền lí tưởng cho các cư dân thủy vực tại đây.
 
Tôi nghĩ rằng, trong thời kì biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, thời tiết khí hậu ở Thừa Thiên Huế diễn biến phức tạp, lũ lụt xảy ra không theo qui luật, nhiều đoạn xung yếu của các bờ sông bị xói mòn, sạt lở nghiêm trọng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, trong công tác nghiên cứu trồng cây phòng hộ chống sạt lở cho nhiều đoạn sông, việc chọn đưa Sanh và Cừa vào danh mục bộ cây phòng hộ là điều thiết thực. Trong thời gian vừa qua, nạn vỡ đập các hồ chứa nước ở thượng nguồn một số nơi đã gây thiệt hại cả người và của là một cảnh báo đáng lưu tâm. Thiết nghĩ, nghiên cứu tận dụng nguồn gen Cừa và  Sanh để trồng hỗn giao với một số loài cây gỗ và cây bụi ưu thế khác, nhằm tạo thành những vành đai phòng hộ vững chắc cho lòng hồ, bờ đê là điều nên làm.
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top