ClockThứ Hai, 19/07/2010 17:58

Hoa Hải đường xứ Huế

TTH - Việc nhìn nhận hoàng mai là loài hoa đặc trưng của Huế thì chẳng có gì tranh luận nữa. Nhưng bên cạnh mai, loài hoa nào nữa được nhiều người cho là đặc thù thì có nhiều ý kiến nếu không nói là trái ngược nhau thì cũng có thể cho là chưa đồng nhất. Một trong những loài đó chính là “Hải đường”.

Cứ mỗi độ xuân về, hầu như đa phần người Việt Nam chúng ta đều hướng tưởng đến việc chơi hoa. Tùy điều kiện kinh tế, mỗi gia đình đều chọn cho mình một ít hoa để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên và cũng không quên chọn một loài hoa gì đó chưng bày ở phòng khách để đón xuân. Với nhu cầu đó, các nhà trồng hoa đã phát triển dần, ngày mỗi rộng khắp, có nơi hình thành cả một làng hoa.

Những ngày cuối cùng của tháng chạp hàng năm, ở các tỉnh thành khắp mọi miền đất nước gần như không nơi nào không có chợ hoa xuân. Đến chợ hoa xuân ngập tràn muôn màu muôn vẻ của hằng trăm loài hoa được chưng bày ở mỗi địa phương, thế nào chúng ta cũng nhận ra một nét đặc trưng nào đó. Nét đặc trưng của từng chợ hoa xuân nói lên được nét văn hóa riêng của từng địa phương một. Ngoài tính đặc trưng về kiểu thiết kế lô khoảnh, gian hàng, phân khu nhóm loài hoa… còn một nét đặc trưng thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa từng nơi chính là một vài loài hoa riêng biệt.

Trong trào lưu tiến hóa của xã hội, do nền kinh tế ngày càng phát triển, phương tiện giao thương ngày một thuận lợi, việc giao lưu văn hóa dân tộc và toàn cầu được mở rộng, sự phong phú hóa chủng loại, đa dạng hóa hình thái, sắc màu hoa cũng phát triển. Trên đà phát triển đó, ngoài thương trường mà đặc biệt là dịp xuân về, hầu như chẳng thiếu một loại hoa nào. Một chợ hoa xuân ở miền Trung có thể sưu tập đủ bất kỳ loài hoa nào từ Bắc chí Nam và ngược lại, nhưng hầu như không xóa được nét đặc trưng vừa nói.
 
Huế là một trung tâm du lịch của cả nước. Con người Huế thâm trầm, kín đáo, sống nội tâm, thích thưởng ngoạn thiên nhiên, cây cỏ, đồng thời cũng biết tích lũy các nguồn gen lạ nhằm tạo cho mình một thiên nhiên thu nhỏ, có thể thưởng ngoạn những lúc thư nhàn. Với tính cách đó, nhiều vườn tư thất, đặc biệt là các vườn cổ, thường là nơi hội tụ các nguồn gen hoa lá, không chỉ đặc hữu của Huế và miền Trung, mà còn của hai miền Bắc Nam, thậm chí từ hải ngoại.
 

 
Những ngày giáp Tết, trong hàng vạn lượt người Huế đi chợ hoa xuân, có người đi lại cả chục lần. Nói vậy không phải để ám chỉ những người kỹ tính, đi lại nhiều lần mới chọn được cho mình một chậu hoa kiểng, một cành hoàng mai… mà để nói rằng, biết bao người đi để ngắm, để thưởng ngoạn, để bình phẩm, để chụp hình… và cả để làm thơ. Ai đã nhiều lần đi chợ hoa xuân ở Huế, ắt đã có lần nghe những tiếng thở dài đẩy đưa lời than vãn: “Năm nay Huế không có Tết rồi!” hay “Chợ hoa xuân mà không có cành mai nào còn chi là Tết Huế nữa!”… Thật vậy, không biết tự bao giờ, người Huế đã xem hoàng mai là biểu tượng ngày xuân. Và hơn thế nữa, hoàng mai cũng từng là đối tượng được quan tâm nhất trên cả nước mỗi độ xuân về. Hầu như năm nào cũng vậy, nhiều tờ báo xuân luôn đề cập hoàng mai, từ truyền thống chơi mai, trồng chăm sóc, điều khiển ra hoa… đến những bình luận nhiều chiều về chuyện mai nở muộn, nở sớm. Đó chính là một nét đặc trưng văn hóa Huế.
 
Việc nhìn nhận hoàng mai là loài hoa đặc trưng của Huế thì chẳng có gì tranh luận nữa. Nhưng bên cạnh mai, loài hoa nào nữa được nhiều người cho là đặc thù thì có nhiều ý kiến nếu không nói là trái ngược nhau thì cũng có thể cho là chưa đồng nhất. Một trong những loài đó chính là “Hải đường”.
 
Với chủ nhân của nhiều vườn cổ ở Huế, hỏi đến Hải đường là họ giới thiệu ngay một loài hoa không hương nhưng thắm sắc, mộc mạc nhưng thanh cao. Họ cùng nhiều cư dân Thừa Thiên Huế rất quen thuộc với loài hoa này. Nhưng với bao người dân Việt Nam khác, nhất là người phương Nam , cái tên Hải đường đã ít nhiều gây hoang mang cho họ. Nhiều người đã tìm thấy trong thơ một loài hoa Hải đường mảnh mai, yểu điệu, thì khó mà tin khi ai đó chỉ cho họ cây Hải đường ở vườn Huế. Và cũng chính vì thế, đã có không ít tác giả cho rằng Hải đường xứ Huế là Trà mi. Nhưng trong giới nghệ nhân cây cảnh và hoa, có lẽ chẳng mấy ai đồng tình với cách quy nạp đó. Đành rằng Trà mi cũng thuộc chi Camellia, có lá gần giống lá Hải đường Huế, nhưng cây nhỏ hơn rất nhiều, hoa cũng khác hoàn toàn. Ở Huế, các vườn hoa, cây cảnh vẫn trồng Trà mi, bao gồm Trà mi đỏ, Trà mi hồng, Trà mi trắng, và Trà mi vẫn là Trà mi, Hải đường vẫn là Hải đường, không ai nhầm lẫn được.
 
Có người quá quen thuộc với loài hoa Hải đường ở Trung Quốc đã cho rằng người Huế dùng tên sai. Ngược lại, nhiều người Huế lại trách rằng sao gọi Hải đường mà lại đưa ra một loài hoa xa lạ. Bởi thế, bài thơ “Vịnh Hải đường” trong Minh Mệnh thánh chế có lời chú thích: “Theo Quần phương phả thì Hải đường có bốn loại, là Chiêm cánh, Tây phủ, Thủy lục và Mộc qua, ngoài ra lại có loại hoa vàng, loại hoa thơm, nhưng đều là cánh mềm, hoa nhỏ, hoặc sắc vàng, hoặc đỏ lợt, hoặc như yên chi, chỉ có mấy sắc ấy thôi. Hải đường phương Nam thì cây cao, lá to vừa dài vừa nhọn, hoặc sắc đỏ tươi, ruột có nhị, cánh to mà dày, lúc nở đẹp hơn hoa phù dung, nên tục gọi là sen cạn; so với hoa hải đường ở đất Thục thì đẹp hơn nhiều, tựa hồ phương Bắc không có giống hải đường này, cho nên những lời trước thuật có khác”. Và khi khắc hình ảnh Hải đường lên Nghị đỉnh, Minh Mạng vẫn gọi nó là Hải đường hoa.
 

 
Trong bốn loài Hải đường phương Bắc được ghi trong Minh Mệnh thánh chế, loài Tây phủ hải đường chính là cây hai tang hua (hải đường hoa) ở Trung Quốc, nó có tên khoa học là Malus spectabilis thuộc họ Hoa hồng – Rosaceae. Đây là một loài có cành nhánh mảnh, mọc thưa, mang lá mỏng, thon nhọn, cho hoa nhiều cánh mỏng màu hồng nhạt và nhỏ gần giống hoa anh đào. Chính loài hoa này đã được Nguyễn Du nhắc tới trong các câu thơ:
 
Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà  (175-176)
 
và:
 
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng (1283-1284)
 
Mộc qua hải đường còn được gọi là Thiếp ngạnh hải đường cũng là một loài trong họ Hoa hồng – Rosaceae, tên khoa học là Chaenomeles sinensis. Loài này cũng có lá thon, nhỏ, mảnh mai, cho hoa sắc đỏ thắm, cánh mỏng.
 
Cây Hải đường ở Huế mà Minh Mạng gọi là Hải đường phương nam thuộc họ Chè – Theaceae. Năm 1972, trong bộ Cây cỏ miền Nam Việt Nam, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ dùng tên khoa học cũ Thea amplexicaulis Pitard, 1910 và gọi là Hải đường, nhưng đến năm 1991-1993, trong bộ Cây cỏ Việt Nam, tác giả đã dùng tên khoa học mới Camellia amplexicaulis (Pitard) Cohen-Stuart, 1916 và gọi là Trà hoa lá ôm. Thật ra cách gọi này để phản ánh tính hệ thống phát sinh chủng loại, tức là một loài trong chi Trà hoa – Camellia có lá ôm thân (amplexicaulis), như tác giả đã gọi 25 loài Trà hoa khác nữa trong chi này. Đúng ra, tác giả nên gọi kèm tên Hải đường để độc giả dễ nhận ra, khi họ đã quen với tên Hải đường trong tài liệu trước, đồng thời cũng giữ được một tên bản địa xuất hiện đã gần cả vài trăm năm, cũng như tác giả gọi 4 loài còn lại trong chi Camellia là Trà và Sở vậy.
 
 
Gần đây, năm 2003, Đại học Quốc gia Hà Nội & Viện Sinh thái-Tài nguyên sinh vật qua bộ Danh lục các loài thực vật Việt Nam, ghi nhận ở Việt Nam có 45 loài thuộc chi Camellia. Trong đó, có 3 loài mang tên Hải đường: (1) Hải đường núi - Camellia assimilis Champ. ex Benth. in Hook., 1851; (2) Hải đường hoa vàng - Camellia tonkinensis (Pitard) Cohen-Stuart, 1916; (3) Hải đường – Camellia amplexicaulis (Pitard) Cohen-Stuart, 1916.
 
Như vậy, nói đến hoa Hải đường có thể làm cho mỗi người nghĩ về một ngã. Nhưng không thể vì thế mà lại thay tên đổi họ của cây hoa Hải đường ở Huế như một vài ý kiến đã nêu trên vài diễn đàn thông tin được. Điều quan trọng là mỗi khi tìm hiểu bất kỳ một loài hoa nào, không chỉ với tên gọi là đủ, mà còn phải nhận diện chính loài hoa đó bằng lá bằng hoa và tốt nhất là kèm tên khoa học. Vì đâu chỉ có Hải đường Huế trùng tên với Hải đường Trung Quốc, trong thực tế còn có hàng trăm loài hoa khác được gọi trùng lắp nhau, cũng từng gây khó khăn cho việc thông tin trên thương trường, nhưng rồi đâu cũng vào đấy, muốn có sự rạch ròi bằng cách đặt lại tên cho từng loài hoa nhằm tránh sự nhầm lẫn là một việc làm không đơn giản chút nào.
 
Cuối cùng, cần biết thêm rằng, cây hoa Hải đường ở Huế vẫn luôn được nhiều người Huế xem là loài hoa biểu tượng. Nó biểu trưng cho tính cách mộc mạc nhưng mạnh mẽ, giản dị nhưng thắm thiết, dù không hương nhưng sắc thắm mặn mà, với nhiều cánh hồng ôm một chòm nhụy vàng thắm, chúm chím cười trước gió đông về như thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt trên vùng đất Huế thân thương. Dù thời tiết có đổi thay thất thường, dù Hoàng mai trở mình chuyển dịch mùa hoa, thì Hải đường vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, cứ ung dung đơm nụ khai hoa từ tháng 9 đến tháng chạp hàng năm khá đều đặn. Chính nhờ thế, những năm mất mùa mai, nhiều người Huế đã chưng Hải đường thay mai trong ba ngày Tết.
 
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top